Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân

Thứ tư, 19/02/2020 17:03
Trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì khu vực kinh tế tư nhân ngày càng bộc lộ những điểm yếu và hạn chế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và bền vững, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hữu hiệu, như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin... Điều này nhằm giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tiếp tục lắng nghe và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 281.228 doanh nghiệp, bình quân cứ 38 người dân Thủ đô/doanh nghiệp, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đa số là doanh nghiệp tư nhân chiếm trên 97,2% số doanh nghiệp trên địa bàn.

 Cần phải tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn hơn.     (Ảnh: tapchitaichinh.vn)

Các doanh nghiệp tư nhân của Hà Nội đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 40% GDP cho thành phố, cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Qua đó có thể thấy, đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân của thành phố Hà Nội đã và đang ngày càng có vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước.

Để có được kết quả như vậy, Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cũng như cải cách các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách cùng các cấp, ngành cố gắng tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, với sự nỗ lực không ngừng tự đổi mới của chính cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã tự khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn nữa thành phố Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông các điểm nghẽn.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô, nhưng khi nền kinh tế càng phát triển và hội nhập sâu với thế giới, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng bộc lộ những điểm yếu và hạn chế. Đó là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ. Chính vì vậy, khu vực kinh tế tư nhân gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, quản trị, công nghệ.

Ngoài ra, còn có những thách thức nội tại khác như thị trường đất đai, lao động, nguồn vốn, khoa học công nghệ chưa phát triển đồng bộ. Các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nhập khẩu vẫn bị phụ thuộc nhiều vào một hoặc một vài thị trường.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt mà khu vực kinh tế tư nhân đem lại cho nền kinh tế Thủ đô, thì hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta còn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật.

Để khắc phục các hạn chế cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khu vực tư nhân, thành phố Hà Nội đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục về đăng ký doanh nghiệp; tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cung cấp thông tin và mở rộng thị trường.

Cùng đó, hình thành và đẩy mạnh hoạt động của một số vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh… Xây dựng Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045”.

Để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, ngày 5/2/2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 367/UBND-KT yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã… triển khai kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Hà Nội yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ liên quan, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 1362/QĐ-TTg, ngày 11/10/2019, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai các văn bản của UBND thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm trên và triển khai quyết liệt các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình tham mưu triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân trên địa bàn; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thuận lợi, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp định kỳ theo quy định.

Ngay trong năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm từ 7,5% trở lên.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thành lập các cụm công nghiệp và đầu tư hạ tầng để thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đổi mới công nghệ, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu./.

TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực