Sáng 19/5, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo công bố Hội nghị quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.
|
Hình ảnh tại buổi họp báo. |
Dự kiến Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 26-28/5/2023 với chủ đề "Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng", gồm các nội dung: Giới thiệu thông tin tổng quan Quy hoạch tỉnh, hoạt động xúc tiến đầu tư và các dự án ưu tiên đầu tư vào Hà Tĩnh; trao Quyết định Quy hoạch tỉnh; tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học về các giải pháp, chiến lược để Hà Tĩnh thực hiện thành công quy hoạch tỉnh và một số nội dung quan trọng khác.
Như vậy, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước lập quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 8/11/2022.
Theo Quy hoạch, hướng đột phá của Hà Tĩnh là tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược đồng bộ, hợp lý, hiện đại; phát triển hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
4 ngành kinh tế trọng điểm được nêu trong Quy hoạch là: công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch. Quy hoạch cũng xác định rõ mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất cả nước.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ năm 2021-2030 đạt trên 9% năm. Cơ cấu kinh tế tăng lĩnh vực công nghiệp-xây dựng chiếm 60,3%, dịch vụ chiếm 26,6% còn lại là nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bình quân GRDP trên đầu người đạt 170 triệu đồng.
Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo
Tại cuộc họp báo, ông Đậu Tùng Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh cho biết, để đạt mục tiêu trên, Hà Tĩnh đã, đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương đang được xây dựng, triển khai. Trong đó, ưu tiên phục hồi, phát triển công nghiệp. Đầu năm 2023, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ; triển khai các chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh; chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, tập trung cao để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm nhằm tạo động lực tăng trưởng mới. Trong năm 2023, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng khắc phục sự cố đi vào hoạt động, Nhà máy Pin VinES đi vào vận hành và sản xuất theo kế hoạch; Nhà máy Sản xuất Pin Lithium hoàn thành xây dựng vào cuối năm; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng hoàn thành thủ tục chấp thuận đầu tư...