Hậu Giang phát triển giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội

Thứ ba, 09/08/2022 11:20
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, hệ thống giao thông tỉnh Hậu Giang đã được đầu tư, nâng cấp phát triển nhanh chóng. Tỉnh đã có 6 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 158 km, đáp ứng yêu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các địa phương trong khu vực.
leftcenterrightdel
Nâng cấp đường giao thông ở Hậu Giang. (Ảnh: Báo Hậu Giang) 

Ngoài ra, Hậu Giang cũng quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống đường nội tỉnh như đường ĐT927C nối quốc lộ 1 với Nam Sông Hậu, tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn tạo thành hệ giao thông liên tỉnh từ huyện Tân Hiệp- Kiên Giang đi TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, rút ngắn khoảng cách đáng kể so với đi trên các tuyến quốc lộ như hiện nay…

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, các Nghị quyết của tỉnh đã xác định mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là kết nối với các tuyến đường cao tốc, kết nối giữa địa phương với địa phương, giữa tỉnh với các tỉnh lân cận, xem đây là tiêu chí để lựa chọn dự án đầu tư.

Cụ thể, Hậu Giang sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành dự án ĐT926B kết nối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng, ĐT925B kết nối TP Vị Thanh với TP Cần Thơ và kết nối vào nút giao cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với Châu Đốc - Sóc Trăng; ĐT931 để kết nối với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu... tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sở Giao thông vận tải Hậu Giang tập trung xây dựng định hướng kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, về hệ thống quốc lộ, phấn đấu đưa vào khai thác tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đầu tư mở rộng tuyến nối thành phố Vị Thanh với thành phố Cần Thơ, đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn đi qua địa phận Ngã Bảy, tuyến tránh thị trấn Cái Tắc, cải tạo mặt đường tuyến Nam Sông Hậu. Về hệ thống giao thông thủy, dự kiến đầu tư nạo vét một số tuyến kênh chính như kênh xáng Xà No, kênh Quản lộ - Phụng Hiệp, nạo vét kênh KH9, kênh Lái Hiếu, kênh 8.000. Về hệ thống giao thông địa phương, dự kiến đầu tư nhiều tuyến giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, các dự án đường ô tô về trung tâm xã, các cầu lớn kết nối địa phương.

Mới đây, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã làm việc với các sở, ngành của tỉnh về tình hình thực hiện tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60. Đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang thuộc dự án thành phần 3 (từ km94+400 đến km131+300), đi qua huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp. Tổng kinh phí thực hiện dự án thành phần 3 trên 9.900 tỉ đồng; diện tích dự kiến thu hồi đất khoảng 247ha. Dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh sẽ có 2 nút giao, tại Quốc lộ 61C và giao với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Cũng theo ông Đồng Văn Thanh, các dự án cao tốc đi qua địa phương sẽ tạo dư địa để tái cấu trúc hệ thống các đô thị, phân bố lại dân cư; đồng thời tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với lợi thế về đất đai, môi trường, điều kiện tự nhiên tốt, tỉnh Hậu Giang kỳ vọng sau khi các dự án cao tốc hoàn thành sẽ góp phần phát triển đô thị, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa của tỉnh.

Theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, sẽ bám sát yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, đồng thời kết nối với các địa phương trong khu vực. Huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Rà soát triển khai một số dự án trọng điểm để tạo nền tảng, sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội. Sử dụng kinh phí hợp lý, hiệu quả phương án đầu tư. Mục tiêu là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ logictics.

Những cao tốc đi qua Hậu Giang sẽ giúp cho tỉnh là trung tâm kết nối trục dọc và trục ngang của các địa phương trong khu vực. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hậu Giang dành toàn bộ nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh để đầu tư các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng nông nghiệp.

Điều này cũng được Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra rất cụ thể, với mục tiêu là tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy sức mạnh tổng hợp mọi thành phần kinh tế; tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá.../.

Bảo Châu (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực