Hiệu quả các biện pháp sinh học phòng trừ sâu đục trái bưởi

Thứ sáu, 06/04/2018 15:35
Sâu đục trái là đối tượng gây hại chính trên bưởi và làm giảm năng suất, mất giá trị thương phẩm. Để phòng trừ sâu đục trái gây hại cho cây bưởi, nhiều hộ nông dân trồng bưởi da xanh tại Bến Tre áp dụng các biện pháp sinh học trong sản suất mang lại hiệu quả thiết thực.
Trái bưởi bị sâu đục. (Ảnh: baotintuc.vn).

Gia đình ông Trần Văn Tài, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Bến Tre) trồng gần 1 ha bưởi da xanh. Do ông cho ra trái bưởi da xanh vào mùa nghịch nên các đối tượng gây hại cho cây bưởi rất nhiều nhất là sâu đục trái làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái bưởi. Ông Tài sử dụng thuốc bảo vệ thực vật diệt sâu, nhưng sâu vẫn không giảm nhiều. Nếu ngưng thuốc thì sâu tấn công, còn phun nhiều thuốc thì vừa tốn kém vừa ảnh hưởng đến sản phẩm bưởi da xanh theo quy trình VietGAP trong khu vực và môi trường xung quanh. Sau đó, ông được tập huấn áp dụng các biện pháp sinh học phòng trừ sâu hại và học hỏi thêm từ các hộ trồng bưởi áp dụng các biện pháp sinh học trên địa bàn.

Qua 3 năm áp dụng các biện pháp sinh học phòng trừ sâu đục trái mang lại hiệu quả lớn cho vườn bưởi của gia đình. Ông Tài cho biết, đầu tiên ông gom trái bị sâu xử lý diệt sâu non bằng nước vôi để tránh sâu còn trong trái sẽ trưởng thành. Đồng thời, ông bắt kiến vàng về nuôi lại, do trước đó sử dụng thuốc trừ sâu đã diệt luôn kiến vàng. Đây là loài thiên địch diệt tất cả các loại sâu gây hại. Bên cạnh đó, ông Tài trồng các loại cây có hoa màu sắc sặc sỡ, nhiều mật… vừa tạo độ ẩm cho vườn cây, chống xói mòn trong mùa mưa, hạn chế cỏ dại vừa tạo điều kiện thu hút nguồn ong ký sinh (ong mắt đỏ, ký sinh trong trứng sâu đục trái bưởi) phát triển trong vườn để tiêu diệt sâu hại.

Theo ông Tài, sau 1 tháng đậu trái tiến hành tỉa trái (loại bỏ trái phát triển kém, méo mó, chỉ nên để 1-2 trái /chùm). Trước khi bao trái bằng vải lưới, sử dụng dầu khoáng phun để "vệ sinh" trái và không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để phòng trừ sâu đục trái sau khi bao. Nhờ áp dụng các biện pháp sinh học, vườn bưởi nhà ông Tài phát triển xanh tốt không còn sâu hại như lúc trước, giảm được chi phí vật tư. Hiện nay, mỗi năm ông Tài thu hoạch hơn 20 tấn bưởi da xanh, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.

Nhiều hộ nông dân trồng bưởi da xanh ở Bến Tre áp dụng các biện pháp sinh học phòng tránh sâu hại. Qua đó, chất lượng trái bưởi ngon hơn an toàn hơn khi đến tay người tiêu dùng.

Ông Vương Thành Công,  Tổ trưởng tổ hợp tác trồng bưởi da xanh xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết, các thành viên trong tổ trồng bưởi da xanh áp dụng quy trình VietGAP để sản xuất. Do đó việc áp dụng các biện pháp sinh học phòng tránh sâu hại mang lại hiệu quả rất lớn, giúp người nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu trên vườn bưởi, tránh ảnh hưởng đến môi trường. Quan trọng nhất, chất lượng trái bưởi được đảm bảo, an toàn cho người dùng, từng bước đưa trái bưởi da xanh Bến Tre tiêu thụ rộng rãi ra thị trường ngoài nước, ông Công chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện nay có khoảng 16 ha diện tích cây bưởi da xanh bị sâu đục trái gây hại, trong tổng số 7.200 ha bưởi toàn tỉnh, giảm rất nhiều so với trước dây.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, các biện pháp sinh học phòng trừ sâu hại như sử dụng thiên địch, bao trái, sử dụng chế phẩm sinh học…đã phát huy hiệu quả trong việc sản xuất trái bưởi da xanh. Bên cạnh đó, hướng dẫn áp dụng các biện pháp sinh học làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, giúp người nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từng bước định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ đó, cho ra các loại sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng điều kiện khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường xuất khẩu./.

Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực