Sản xuất hoa bằng hệ thống nhà kính hiện đại được nhiều đơn vị trồng hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng áp dụng
(Ảnh: BT)
Từ năm 2004, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng được đẩy mạnh thực hiện. Qua hơn 12 năm triển khai đã tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 8,4%/năm. Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đạt thu nhập bình quân cao gấp hơn 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh, điển hình như: rau chất lượng cao đạt khoảng 450 - 500 triệu đồng/ha/năm, hoa chất lượng cao đạt 800 - 1.200 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt 3 tỷ đồng/ha/năm.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng đạt hơn 43.000 ha, chiếm gần 16,5% diện tích đất canh tác. Trong đó, diện tích gieo trồng rau các loại đạt 57.268 ha, với năng suất bình quân đạt 333,58 tạ/ha, sản lượng rau đạt 1.910,4 ngàn tấn. Riêng diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 12.655,2 ha, chiếm gần 22,1% tổng diện tích rau canh tác. Diện tích trồng hoa 7.594 ha, sản lượng đạt trên 2,3 tỷ cành; riêng diện tích hoa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao 2.424 ha, chiếm 31,9% tổng diện tích hoa canh tác.
Để có thành tựu như hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư nghiên cứu, xây dựng mô hình, áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới. Những công nghệ phổ biến trong sản xuất rau, hoa hiện nay đã và đang được áp dụng gồm: công nghệ sinh học trong nhân giống (nuôi cấy mô thực vật in vitro, công nghệ ghép cây rau); công nghệ nhà lưới; công nghệ tưới nhỏ giọt có hệ thống điều áp và cung cấp phân bón; công nghệ chiếu sáng bổ sung điều khiển quang chu kỳ thông qua sử dụng hệ thống đèn compact, đèn led tự động bật tắt trong canh tác cây trồng,... Cùng với đó là các công nghệ sau thu hoạch với việc ứng dụng công nghệ sấy lạnh, sấy nhiệt, công nghệ tạo màng trong bảo quản nông sản, ứng dụng chế phẩm giữ cho hoa tươi lâu, sử dụng các loại máy tự động hoặc bán tự động trong thu hoạch sản phẩm. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Với mô hình ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống, công nghệ nuôi cấy mô in vitro (nuôi cấy mô tế bào thực vật) các loài rau, hoa nhằm tạo ra cây giống đồng đều, sạch bệnh, bảo toàn đặc tính bố mẹ đã được áp dụng trên các loài phổ biến như: khoai tây, hoa cúc, cẩm chướng, đồng tiền, địa lan…Ứng dụng kỹ thuật ghép các giống cà chua, ớt ngọt trên gốc cà tím, ớt cay có tác dụng kháng được bệnh từ đất; tạo ra những cây trồng có năng suất cao, kháng bệnh tốt, thích nghi với điều kiện canh tác tại địa phương.
Đồng thời, ứng dụng phương thức nhân giống hiện đại với các loài rau, hoa, dâu tây được gieo cây trên vỉ xốp, đảm bảo tỷ lệ nảy mầm và tỷ lệ sống cao; rút ngắn thời gian canh tác ngoài đồng ruộng với mức độ cơ giới hóa khoảng 80% ở các khâu ủ giá thể, phun thuốc, phun dinh dưỡng và gieo hạt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tại các vùng chuyên canh rau hoa như: thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương có khoảng 60 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất hơn 30 triệu cây giống gốc in vitro; trên 200 vườn ươm với tổng quy mô khoảng hai tỷ cây giống thương phẩm để phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh có các doanh nghiệp hàng năm xuất khẩu trên 10 triệu cây giống in vitro, chiếm 30% số lượng cây giống in vitro của tỉnh. Trong sản xuất có trên 100 loại rau, 80 loại hoa với tỷ trọng giống mới đối với rau hoa chiếm 90% thông qua việc nhân giống và sử dụng giống cây trồng mới với tỷ lệ cao đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nông sản của Lâm Đồng.
Áp dụng công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hoa của Đà Lạt, Lâm Đồng
(Ảnh: BT)
Với mô hình ứng dụng hệ thống nhà màng trong sản xuất rau hoa, hiện nay diện tích nhà màng, nhà lưới của tỉnh Lâm Đồng khoảng 3.148 ha áp dụng trên rau, hoa các loại. Mô hình nhà màng trong sản xuất rau hoa công nghệ cao được bà con nông dân áp dụng phổ biến, đáp ứng yêu cầu tránh được mưa, gió, hạn chế sâu bệnh. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều mô hình nhà màng hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, theo công nghệ Isarel đã được các công ty như Đà Lạt Hasfarm, công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa,… lắp đặt. Hệ thống nhà màng được đầu tư đồng bộ các công nghệ tiên tiến như giàn nhà màng có hệ thống điều khiển, đáp ứng các yêu cầu về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống tưới và bón phân tự động được điều khiển qua máy tính. Đặc biệt, các vật liệu mới như màng lợp có tác dụng chống côn trùng, sơn cách nhiệt làm mát nhà kính đã được các doanh nghiệp sử dụng.
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cũng là mô hình sử dụng tương đối phổ biến vùng trồng rau hoa tại Lâm Đồng với các hình thức tưới: tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cục bộ, tưới ngầm cục bộ. Ưu điểm của hệ thống này giúp tiết kiệm 30 - 60% lượng nước so với phương pháp truyền thống, giảm công lao động, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, đặc biệt có thể cung cấp phân bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Trên địa bàn tỉnh, công nghệ tưới tiết kiệm được nông dân áp dụng rộng rãi, từ công nghệ tưới phun mưa cho các loại rau hoa ngoài trời cho đến công nghệ tưới nhỏ giọt áp dụng cho các loại rau hoa có giá trị kinh tế cao tại thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, Đơn Dương. Ngoài ra, nông dân còn áp dụng tưới phân bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp tăng hệ số sử dụng phân bón cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hệ thống tưới này đều góp phần giảm lượng nước tưới cũng như tiết kiệm phân bón, đem lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả nữa tại Lâm Đồng là ứng dụng điều khiển ánh sáng theo quang chu kỳ. Lâm Đồng có khoảng 7.594 ha đất canh tác hoa, trong đó hoa cúc chiếm trên 40%. Tuy nhiên đối với hoa cúc cần thắp đèn khoảng từ 4 - 8 giờ/đêm để phá vỡ quang kỳ nhằm tăng chiều cao, chất lượng cành hoa. Trước đây, đa số các nông hộ sử dụng đèn sợi đốt, tiêu tốn điện năng lớn, tuổi thọ không cao. Những năm trở lại đây, hầu hết các hộ nông dân đã chuyển qua bóng đèn compact công suất 20W và đến nay đang thử nghiệm đèn led với công suất chỉ từ 5-10W, độ bền 30.000 - 60.000 giờ. Mặt khác, nông dân còn sử dụng hệ thống bật tắt tự động bằng bộ hẹn giờ để giảm lượng điện năng tiêu thụ, tự động hóa trong sản xuất.
Với việc áp dụng thành công các ứng dụng kỹ thuật cao đã đưa nền nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phát triển vượt bậc, đồng thời đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trở thành “điểm sáng” về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Những kết quả trên ngày càng khẳng định tính đúng đắn trong định hướng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững của tỉnh Lâm Đồng./.