Hiệu quả từ chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" ở Long An

Thứ sáu, 09/07/2021 08:53
(ĐCSVN) - Mang lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn… là hiệu quả rõ nhất của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại tỉnh Long An sau một thời gian triển khai.

Tập huấn Chương trình " Mỗi xã một sản phẩm" tại Long An. (Ảnh: Thái Hòa)

Thời gian qua, tỉnh Long An đã tập trung thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Trọng tâm của chương trình là phát triển sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả là Long An đã xuất hiện khá nhiều sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, trong thực hiện chương trình OCOP thì sản phẩm OCOP cần bảo đảm các tiêu chí chung của hàng hóa như truy xuất nguồn gốc, bao bì, mẫu mã và tính cạnh tranh. Ngoài ra, sản phẩm OCOP còn có đặc điểm như sử dụng nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động tại địa phương nhằm mang lại lợi ích cộng đồng.

Thời gian qua, OCOP đã tạo động lực mới trong phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Long An. Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới. OCOP còn góp phần thu hút, phát triển du lịch, qua đó nâng cao thu nhập và giá trị địa phương một cách thiết thực, hiệu quả.

Anh Vũ Văn Vinh ở huyện Tân Thạnh, người có sản phẩm được địa phương chọn là sản phẩm OCOP chia sẻ, OCOP là chương trình đi vào chiều sâu. Dù là cá thể hay cơ sở sản xuất đều cần có quy chế, điều lệ giống như hợp tác để phát triển sản phẩm đạt chuẩn. Vì vậy, ngành chức năng cần hỗ trợ về kết nối cung – cầu, thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tư vấn, hỗ trợ xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu.

Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, tỉnh rất quan tâm việc nâng cấp, phát triển sản phẩm OCOP với nhiều giải pháp. Trong đó, hỗ trợ các chủ thể có tiềm năng hình thành những sản phẩm hoàn chỉnh, nâng cấp những sản phẩm đã đạt được trong thời gian qua từ cấp sao thấp lên cấp sao cao, cấp quốc gia.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản phẩm OCOP. Tập trung huấn luyện, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất nông hộ biết để tạo ra những sản phẩm OCOP. Hướng dẫn cách tiếp cận thị trường thông qua kênh tổ chức giới thiệu sản phẩm tại các chuỗi sự kiện, kênh thương mại điện tử… Tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP tại các hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Trưng bày sản phẩm của Long An tại Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".

(Ảnh: Mai Hương)

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, để cụ thể hóa Chương trình OCOP của Trung ương, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung là góp phần thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp  nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Trong giai đoạn này, Long An đã phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm tham gia sản phẩm OCOP quốc gia; triển khai phát triển 1 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với các điểm du lịch của tỉnh. Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, để thực hiện Đề án OCOP hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Long An sẽ thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp hiểu đúng, đủ về Đề án OCOP của tỉnh; tuyên truyền để người dân biết và tham gia đề án. Các cấp cần đưa nội dung thực hiện Đề án OCOP vào nghị quyết của cấp ủy để chỉ đạo thực hiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của các cấp chính quyền.

Áp dụng đồng bộ, thống nhất các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng..., xây dựng hệ thống đối tác hỗ trợ thực hiện Đề án OCOP, đó là các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; viện, trường đại học, nhà khoa học; hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; ngân hàng, quỹ đầu tư; đài phát thanh, truyền hình; báo; đồng thời tăng cường huy động nguồn lực, trong đó, nguồn lực lớn nhất là từ cộng đồng (tiền vốn, đất đai, sức lao động, công nghệ,...) và từ các tổ chức tín dụng./

B.Châu (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực