Hợp tác dài hạn giữa doanh nghiệp và nông dân để thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển

Thứ năm, 06/07/2023 18:17
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các doanh nghiệp lúa gạo cần chuyển từ tư duy mua bán mùa vụ sang tư duy hợp tác dài hạn với nông dân thông qua việc giúp cho địa phương hình thành các hợp tác xã. Điều này sẽ giúp giải quyết được bài toán về vùng nguyên liệu ngay khi có cơ hội về thị trường.
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: B.T)

Ngày 6/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp với một số đơn vị và doanh nghiệp nhằm bàn các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo.

Theo ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, kế hoạch sản xuất lúa của cả nước gồm 7,1 triệu ha diện tích gieo trồng, năng suất trung bình ước đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng dự kiến 43,11 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022.

Đến nay, diện tích lúa đã gieo cấy khoảng 5,4 triệu ha (tương đương 76,6% kế hoạch), diện tích còn lại 1,65 triệu ha lúa (Lúa Thu đông tại Đồng bằng sông Cửu Long và lúa Mùa), dự kiến sẽ gieo cấy xong trong tháng 10 năm 2023.

Diện tích đã thu hoạch đến nay khoảng 3,3 triệu ha (đạt 46,8% kế hoạch), sản lượng thóc đã thu được khoảng 21,8 triệu tấn (trong đó vụ Đông Xuân 2022-2023 khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu 2023 khoảng 1,8 triệu tấn). Diện lúa còn lại 3,75 triệu ha (tương đương với sản lượng 21 triệu tấn) sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối năm 2023 và tháng 1 năm 2024.

Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá lúa trong nước diễn biến giảm vào quý I, sau đó tăng dần và ổn định trong 2 tháng cuối của quý II. Trên thị trường, giá lúa vụ Hè Thu cao hơn so với vụ Thu Đông. Cụ thể, tại An Giang giá lúa OM 18 giá 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 6.300 - 6.500/kg. Giá lúa IR 50404 trong khoảng 6.200 - 6.400 đồng/kg. Giá lúa Đài thơm 8 trong khoảng 6.800 - 7.000 đồng/kg. Giá lúa Nhật trong khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg,...

Tại Sóc Trăng, giá có sự tăng, giảm tùy loại như: Đài thơm 8 ở mức 8.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; còn RVT là 8.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; riêng OM 5451 vẫn giữ ở mức 7.800 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, với lúa IR 50404 giảm 100 đồng/kg ở mức 6.400 đồng/kg thì OM 5451 lại tăng 100 đồng/kg lên 6.800 đồng/kg; riêng Jasmine vẫn ở mức 7.000 đồng/kg.

Về thị trường xuất khẩu, trong 5 năm gần đây (từ năm 2018 đến năm 2022), xuất khẩu gạo duy trì khối lượng xuất khẩu trên 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, lần lượt đạt 6,1 triệu tấn, 6,36 triệu tấn, 6,24 triệu tấn, 6,23 triệu tấn và 7,1 triệu tấn với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm.

Trong những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm hoàn thiện các chủ trương, chính sách để thúc đẩy xuất khẩu gạo. Đồng thời, hiện nay, xuất khẩu gạo đang có một số thuận lợi. Cụ thể như: Nhu cầu gạo còn tăng nhẹ do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như: châu Âu, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Tại thị trường ASEAN, Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường Philippines do khách hàng đã quen với chất lượng gạo Việt và gạo Việt Nam có lợi thế về logistics hơn so với các nguồn cung khác. Bên cạnh đó nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia tăng trở lại.

Với thị trường Trung Quốc, đã mở cửa sau dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Đối với thị trường EU, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Bên cạnh những thuận lợi của ngành hàng lúa gạo, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khó khăn của ngành hàng hiện nay là nông dân tư duy “mùa vụ”, doanh nghiệp tư duy “thương vụ”, nghĩa là “vụ nào tính vụ đó”, điều này sẽ gây nhiều khó khăn về lâu dài.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các doanh nghiệp cần có tư duy hợp tác dài hạn với bà con nông dân. Doanh nghiệp nên xem bà con nông dân là cộng đồng, hệ sinh thái của mình; làm ăn không phải một mùa vụ Đông – Xuân hay Hè Thu mà 5 năm, 10 năm nữa bà con sẽ gắn bó chặt chẽ với chính doanh nghiệp. Đã có những doanh nghiệp xây dựng thành công điều này.

“Tôi mong muốn chúng ta chuyển từ tư duy mua bán mùa vụ sang tư duy hợp tác với bà con thông qua việc giúp cho địa phương hình thành hợp tác xã. Giúp cho địa phương là giúp cho chính mình, để doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định. Khi có thị trường, doanh nghiệp sẽ có nguyên liệu liền, chất lượng cao liền” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.  

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, doanh nghiệp nên có một chiến lược bài bản, tập hợp nông dân lại, để không chỉ là mua bán lúa với nông dân mà còn cùng với bà con cải thiện cuộc sống của mình./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực