Xử nghiêm tội phạm buôn bán “thực phẩm bẩn” để giữ sức khỏe người dân

Thứ sáu, 26/04/2024 17:25
(ĐCSVN) - Lợi dụng tâm lý, thói quen của một số người tiêu dùng thường sử dụng thực phẩm tiện lợi được chế biến hoặc nấu sẵn, các đối tượng trà trộn, sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây ra nhiều hệ lụy với đời sống xã hội.

Tháng 4/2024, Đội Cảnh sát kinh tế quận Bắc Từ Liêm (thành phố Hà Nội) phát hiện tại số 489 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1 có một kho đông lạnh được thuê làm nơi chứa hàng và sơ chế thực phẩm. Các đối tượng lén lút tập kết hàng hóa, khóa kín cửa không cho người lạ vào, vận chuyển hàng chủ yếu vào buổi trưa hoặc gần sáng.

Ngày 22/4, công an tiến hành kiểm tra khi đối tượng đang vận chuyển hàng đi tiêu thụ, đồng thời phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 22 ra quyết định kiểm tra số hàng hóa tại kho. Thời điểm kiểm tra xác định chủ cơ sở là Ly Văn Thắng (SN 2003) trú tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

 Gần 1 tấn thực phẩm bẩn đang được sơ chế để đưa ra thị trường tiêu thụ (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp)

Tại đây phát hiện gần 1 tấn thực phẩm gồm các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà đều là sản phẩm đông lạnh đã được đóng túi, một số đã tẩm ướp sẵn để đưa đi tiêu thụ. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và hóa đơn chứng từ của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 15/1/2024, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu phát hiện xe tải chở gần 4 tấn thịt gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, lúc 01h30 ngày 15/1, tại đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (đoạn qua xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy), lực lượng chức năng kiểm tra ô tô BKS 73F-002.42, do Hoàng Hùng Anh (SN 1988, trú huyện Lệ Thủy) điều khiển phát hiện chở 300 thùng hàng chứa khoảng 3.000 sản phẩm thịt gà đông lạnh, trọng lượng gần 4 tấn. Tổng giá trị số hàng hoá khoảng 300 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng nói trên.

Tháng 9/2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp Đội Quản lý thị trường số 3 Cục Quản lý thị trường Nghệ An và Trạm CSGT Diễn Châu kiểm tra ô tô tải BKS 29C - 683.49 do P.V.K (SN 1995, ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, vận chuyển sản phẩm động vật (gia cầm đông lạnh) từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được giấy tờ nào liên quan tới số hàng trên xe. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ 10 tấn gà đông lạnh và tiến hành xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Thực tế trên cho thấy hệ sinh thái “thực phẩm bẩn” vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, thủ đoạn tinh vi hòng đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng liên ngành. Chúng ta cần làm gì để tiếp tục từng bước ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi dạng tội phạm này?

Thực tiễn cho thấy công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Không ít cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; ATTP trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm…

Năm nay, chủ đề của Tháng hành động vì ATTP là “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” đang diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5.

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trong quý I/2024, cả nước có 16 vụ với 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần 3 lần về số người so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong. Nghiêm trọng nhất là hai vụ xảy ra tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương) vào đầu tháng 4/2024 khiến nhiều người nhập viện.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Luật An toàn thực phẩm (ATTP) số 55/2010/QH12, ngày 17/6/2010 và các Nghị định, Chỉ thị của Nhà nước trong quản lý ATTP được ban hành thời gian qua là cơ sở, hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Gần đây nhất là Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.

Về trách nhiệm pháp lý, đối với tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP thì mức phạt cao nhất là 20 năm tù. Cụ thể, Điều 317 Mục 3 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27/11/2015), sửa đổi, bổ sung năm 2017 nêu rõ:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức; Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

Người tiêu dùng cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm cần tìm hiểu kỹ các nguồn hàng hóa trước khi mua và sử dụng, đảm bảo thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bán tại các địa điểm như siêu thị hoặc các điểm bán hàng được cấp phép. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức của bản thân nhằm góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

“Rõ ràng, chất lượng thực phẩm không đảm bảo thường chưa gây hậu quả chết người ngay, nhưng hóa chất, tạp chất bẩn sẽ ngấm từ từ và gây hậu quả về sau, sức khỏe bị ảnh hưởng dần theo năm tháng. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh pháp luật để áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp, gián tiếp tham gia chuỗi hành vi nói trên là thực sự cần thiết”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.
Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực