Hợp tác xã, thành viên hợp tác xã cùng liên kết để phát triển

Thứ sáu, 11/12/2020 18:40
(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn nếu các hợp tác xã, các thành viên hợp tác xã biết liên kết, hợp tác với nhau, cùng phát huy các giá trị của tổ chức và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Liên kết cùng phát triển

Ước tính đến 31/12/2020, toàn quốc có 26.112 hợp tác xã (trong đó có 17.462 hợp tác xã nông nghiệp, 8.650 hợp tác xã phi nông nghiệp), thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,133 triệu người. Đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã thể hiện qua hai kênh: đóng góp trực tiếp của khu vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên tổ hợp tác.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: MPI) 

Thực tế, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã với tư cách là một thành phần kinh tế, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội của nước ta. Thời gian vừa qua, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định. Đã xuất hiện một số hợp tác xã có quy mô lớn, phạm vi hoạt độrộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng, thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước không hề kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào.

Những kết quả tích cực này có được nhờ vào việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước và chính quyền các địa phương đối với hợp tác xã sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua, đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây. Cùng với đó là sự đồng hành, hỗ trợ tích cực cả về mặt tài chính lẫn chuyên môn, đào tạo nhân lực, xây dựng chính sách của các tổ chức quốc tế dày dặn kinh nghiệm như SOCODEVI (Canada), Agriterra (Hà Lan), DGRV (Đức).

Xu hướng phát triển hợp tác xã thế giới hiện nay không ngoài việc hợp tác, liên kết giữa các thành viên hợp tác xã, các hợp tác xã với nhau và với các doanh nghiệp tạo thành chuỗi giá trị. Thông qua sự hợp tác này, hợp tác xã phát triển ngày càng vững mạnh, đối đầu được với những khó khăn, thách thức và cạnh trạnh từ bên ngoài. Khi các hợp tác xã đủ lớn mạnh cũng sẽ tạo được sự bình đẳng với doanh nghiệp trong đàm phán, gia nhập, mở rộng thị trường và hợp tác kinh doanh.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã của Việt Nam cũng phát triển không nằm ngoài quy luật đó. Để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển và nâng cao vai trò của mình trong hỗ trợ kinh tế thành viên và cộng đồng, một số giải pháp trọng tâm cho thập kỷ tới đã được đưa ra thảo luận như tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách; tăng cường hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể; n âng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã; đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã; tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã và tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

 Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các Hợp tác xã của tỉnh Sơn La trong khuôn khổ Diễn đàn. (Ảnh: HNV)

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0” , Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định về một xu hướng tất yếu được đúc kết từ kinh nghiệm của các nền kinh tế tập thể phát triển trên thế giới. Theo đó, “kinh nghiệm quốc tế cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn nếu các hợp tác xã, các thành viên hợp tác xã biết liên kết, hợp tác với nhau, cùng phát huy các giá trị của tổ chức và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.Cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ công nghệ số cũng đang mở ra những cơ hội và thách thức đối với toàn bộ nền kinh tế nước ta, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong tình hình đó, không chỉ nông dân, hộ sản xuất đơn lẻ mà cả các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải liên kết, hợp tác với nhau mới có thể đứng vững và phát triển. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã, đang và sẽ phát huy vai trò của của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.” – Phó Thủ tướng nói.

Dịp này, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách tại Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021- 2025, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ở địa phương mình; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã./.

 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực