Hướng đi mới cho nghề khai thác nấm lim xanh ở Quảng Nam

Thứ bảy, 02/02/2019 15:27
(ĐCSVN) – Hiện nay, ở Quảng Nam có nhiều người coi việc khai thác, thu mua nấm lim xanh là một nghề, bởi nó không những giải quyết công ăn việc làm mà còn là nghề “hái ra tiền” đối với không ít người, nhất là tại các huyện miền núi như Tiên Phước, Đại Lộc, Đông Giang, Tây Giang….

Lộc của rừng

Với vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoan và chị Nguyễn Thị Duyên (thôn Hà Nha, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) thì nghề khai thác và thu mua nấm lim xanh đã cho gia đình họ công ăn việc làm và sức khỏe. Theo họ, đó là ơn và lộc của rừng đã dành cho gia đình mình.

Theo lời anh Hoan, cánh đây hơn 10 năm, mẹ anh bị bệnh thận, các bác sỹ bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng kết luận bà bị ung thư thận ở giai đoạn nặng, không thể cứu chữa được. Khi bệnh viện trả mẹ về, với quan điểm “còn nước còn tát”, anh Hoan đi khắp nơi tìm thuốc nam cho mẹ uống. Nghe có người nói, tại xã La Ê, huyện miền núi Nam Giang có già làng người Cơ Tu tên là Blong Nia rất giỏi về thuốc nam. Thế là anh khăn gói tìm đến.

Được già Blong Nia trực tiếp dẫn vào rừng sông Bung sát biên giới với Lào để tìm thuốc, anh cùng già băng qua 3 con suối lớn để đến khu rừng lim mà trong chiến tranh, bom đạn Mỹ đã cày xới, khiến nhiều thân cây lim to bị chết. Chính những xác gỗ lim chết lâu ngày này đã mọc lên một loại nấm (sau này anh mới biết đó là nấm lim xanh - PV). Từ loài nấm tìm thấy này, anh Hoan đem về sắc lấy nước cho mẹ uống.

Tuần đầu tiên sau khi uống thuốc, sức khỏe của mẹ anh dần hồi phục. “Mình vô cùng vui mừng và tiếp tục lên lại La Ê để cùng già Blong Nia vào rừng tìm thêm nấm cho mẹ uống. Kiên trì trong vòng hơn 3 tháng, nhờ uống thuốc sắc từ nấm lim xanh, sức khỏe mẹ mình cải thiện rất nhiều rồi hết bệnh sau đó. Thông tin mẹ mình hết bệnh ung thư thận nhờ uống nấm lim xanh lan truyền đến nhiều người. Họ tìm đến, mình lại dẫn họ đi tìm nấm. Riêng với những người có hoàn cảnh quá khó khăn, mình cho họ nấm mà mình tìm được chứ không lấy tiền”- anh Nguyễn Văn Hoan chia sẻ.

Tiếp lời chồng, chị Duyên vợ anh Hoan cho biết thêm, qua việc tìm nấm chữa bệnh cho mẹ và sau đó là giúp nhiều người khác, vợ chồng tôi quyết định theo nghề này. Lượng người đến tìm mua nấm ngày càng nhiều nhưng nấm chỉ mọc nhiều từ tháng 4 đến tháng 7 ân lịch hằng năm. Vì thế, hai vợ chồng tranh thủ thời gian nấm mọc nhiều, gọi thêm người thân vào rừng hái về, đem đi sấy, phơi khô và bảo dưỡng tránh mối mọt, trữ lại bán quanh năm. “Cũng từ đây, ngoài những ai có bệnh tìm đến, một số cơ sở thu mua nấm ở các nơi tìm đến đặt hàng và được vợ chồng tôi cung cấp, trở thành bạn hàng thường xuyên”- chị Duyên chia sẻ thêm.

“Để trả ơn rừng, mình thường giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, vợ chồng mình đã giúp anh Võ Văn Hơn (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) khó khăn về nhà ở 70 triệu đồng để cất nhà. Hiện hai vợ chồng cũng đang tiếp tục giúp cho 2 gia đình khó khăn khác ở tại xã Đại Hồng (60 triệu đồng/hộ) để cất nhà. Trong mùa lũ năm 2017, nghe tin nhiều hộ dân ở huyện Nam Trà My bị sạt lởi núi, hai vợ chồng cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm và kinh phí góp phần làm lại nhà ở cho các hộ bị lũ cuốn trôi nhà. Từ nhiều năm nay, cứ nghe ở đâu có người khó khăn hay bị bệnh nặng, mình đều tìm đến chia sẻ, giúp đỡ dù ít hay nhiều. Việc giúp đỡ này mình nghĩ là việc cần làm để trả ơn rừng”- anh Hoan chia sẻ thêm.

Theo anh Hoan, nấm giả từ Trung Quốc đưa về có tai nấm to
và màu sắc đẹp hơn so với nấm lim xanh Quảng Nam. Đây là dấu hiệu dễ phân biệt nhất

Hướng đi mới cho nghề khai thác nấm lim xanh

Trước khi tìm đến anh Nguyễn Văn Hoan và được nghe anh Hoan kể về câu chuyện ơn rừng của gia đình anh, chúng tôi được nhà báo Vũ Công Điền (Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng) xác nhận, trường hợp mẹ của anh Hoan là bà Võ Thị Bửu (70 tuổi, thôn Hà Nha, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) bị bệnh ung thư thận, bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trả về, sau đó chữa khỏi bệnh nhờ uống nấm lim xanh là có thật.

“Ban đầu tôi nghe mà bán tín bán nghi, vì thế tôi đã trực tiếp đi tìm hiểu và đúng là mẹ anh Hoan và một số người khác nữa bị bệnh nhờ uống nấm lim xanh mà khỏi bệnh” - Nhà báo Vũ Công Điền cho biết.

Cũng theo nhà báo này, hiện ở Quảng Nam, nghề tìm và khai thác nấm lim xanh như vợ chồng anh Hoan đang là một nghề khá “hot”. Với giá bán bình quân khoảng trên 2 triệu đồng/kg nấm, chỉ bỏ công mà không bỏ vốn, nhiều người xem đây là nghề cho thu nhập nên rủ nhau vào rừng tìm nấm.

Tuy nhiên, nhà báo Vũ Công Điền cũng bày tỏ lo ngại: “Tìm nấm để bán, cho thu nhập là việc làm chính đáng. Song, do nấm lim xanh có giá trị, nên nhiều người đã lấy nấm từ Trung Quốc về trà trộn để bán. Nhưng nấm của Trung Quốc thường nhập lậu và không rõ nguồn gốc nên rất nguy hiểm cho người dùng. Vừa rồi, cậu của bạn mình ở Đà Nẵng do dùng phải nấm giả mà bị ngộ độc, suýt phải trả giá bằng mạng sống. Do đó, cơ quan quản lý nên vào cuộc để xử lý, ngăn chặn hành vi gian lận này”- nhà báo Vũ Công Điền khuyến cáo.

Cùng quan điểm với nhà báo Điền, anh Lương Tấn Oanh, một đại lý thu mua nấm lim xanh tại huyện Tiên Phước (Quảng Nam) cho rằng, do nhiều người không biết rõ về nấm lim xanh nên các đối tượng mua bán hàng giả lấy từ Trung Quốc về nói sao họ tin vậy. Mua phải nấm giả, vừa mất tiền lại gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, các ngành chức năng của Quảng Nam nên vào cuộc, kiểm soát thị trường nấm cũng như xử lý mạnh tay với những đối tượng lợi dụng niềm tin của khách hàng để bán nấm giả.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hoan (Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Hoan), với kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề tìm và khai thác nấm lim xanh thì, nấm lim xanh Quảng Nam có tai nấm nhỏ, màu sắc và hình thù xấu xí. Còn nấm của Trung Quốc tai nấm to hơn và màu sắc rất đẹp. Nếu người hiểu biết về nấm lim xanh Quảng Nam khi nhìn vào sẽ phân biệt được với hàng giả của Trung Quốc. Tuy nhiên do không biết và tâm lý chung của người tiêu dùng, thấy nấm to, có màu sắc đẹp thì tin đó là nấm tốt. Đây là điều rất đáng lo ngại, do vậy để giữ được thương hiệu của nấm lim xanh Quảng Nam, các ngành chức năng của tỉnh, nhất là ngành Y tế và Nông nghiệp nên tuyên truyền rộng rải hơn để mọi người biết về nấm lim xanh.

Cũng theo anh Hoan, đặc thù của nấm lim xanh Quảng Nam là mọc trên thân và rễ cây gỗ lim. Loài nấm này có hàm lượng germanium rất cao. Đây là nguyên tố hữu cơ ngăn ngừa và điều trị bệnh ung thư rất tốt. “Vì thế, để giữ gìn nguồn gen này, Quảng Nam cần có biện pháp để giữ được những cánh rừng lim đang bị mất dần bởi nạn phá rừng. Đồng thời, tỉnh cũng nên dành kinh phí thỏa đáng đầu tư cho việc nghiên cứu, chế biến sâu để tạo ra các hợp chất hay thuốc chữa bệnh từ nấm lim xanh, có như thế mới khai thác những giá trị cao của nấm lim xanh. Còn hiện nay, hầu hết nấm lim xanh đều chỉ mới dừng lại ở việc bán nấm thô, giá trị không cao. Trong khi đó, nông dân các huyện miền núi Quảng Nam, nơi có các cánh rừng lim cần được hướng dẫn để trồng và khai thác loài nấm có giá trị này để làm giàu”- anh Nguyễn Văn Hoan bày tỏ suy nghĩ.

Để bảo quản lâu dài và để không bị mối một làm hỏng, nấm lim xanh 
 sau khi hái về phải  dược người dùng rửa sạch rồi đem sấy hoặc phơi khô. 

Đồng tình với ý kiến của anh Hoan, ông Thái Viết Hiếu, Giám đốc sản xuất dự án Phát triển chuỗi giá trị nấm lim xanh Quảng Nam cho biết: Nấm lim xanh là vị thuốc quý, có nhiều tác dụng trong việc giải độc cho cơ thể, hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh. Để khai thác có hiệu quả từ loài nấm này, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH nấm linh chi Quảng Nam và một đối tác từ Hàn Quốc triển khai dự án Phát triển chuỗi giá trị nấm lim xanh Quảng Nam.

Dự án được tiến hành trong 2 năm 2019- 2020 tại các huyện miền núi của tỉnh. “Hiện dự án đang hướng tới việc giúp người dân là đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi Quảng Nam biết cách trồng, chăm sóc, khai thác nấm lim xanh để tăng thu nhập; đồng thời tiến hành xây dựng vườn ươm, lưu giữ nguồn gen nấm lim xanh cũng như chế biến sâu một số sản phẩm có giá trị từ nấm lim xanh Quảng Nam. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 5,4 tỷ đồng, được dự án Trường Sơn xanh của Liên hiệp quốc hỗ trợ. Trước mắt, sẽ có hơn 200 hộ đồng bào dân tộc tại các huyện miền núi của Quảng Nam sẽ được hưởng lợi từ dự án này”- ông Thái Viết Hiếu cho biết thêm.

Hy vọng rằng, với sự ra đời của dự án kể trên, sắp tới tại Quảng Nam không chỉ giữ được nguồn gen và khai thác có hiệu quả nấm lim xanh mà còn giúp nhiều người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi của tỉnh có thêm thu nhập, mở ra hướng phát triển từ cây nấm có giá trị này./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực