Huyện Long Thành (Đồng Nai) phấn đấu trở thành đô thị sân bay hiện đại

Thứ ba, 15/08/2023 11:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo dự thảo Nhiệm vụ quy hoạch chung, đô thị Long Thành đến năm 2030 là đô thị loại III, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp tỉnh; giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với khu công nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ chất lượng cao.
Thi công đường giao thông tại khu vực tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: K.V) 

Đồng thời, đô thị Long Thành cũng là trung tâm thương mại - tài chính chất lượng cao cấp vùng; trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế cấp vùng và quốc gia; đầu mối giao lưu quan trọng có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng tỉnh Đồng Nai và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ.

Theo dự báo đến năm 2030, quy mô dân số của đô thị Long Thành đạt khoảng 370-380 nghìn người; đến năm 2045, quy mô dân số đạt khoảng 480- 500 nghìn người.

Đặc biệt, với lợi thế có sân bay Long Thành tọa lạc trên địa bàn, đô thị Long Thành cũng được định hướng trở thành thành phố sân bay, cửa ngõ quốc tế phát triển bền vững, tạo tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời là trung tâm giải trí, logistics và cung cấp dịch vụ của vùng.

Nằm trong vùng chiến lược quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành được quy hoạch và đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô  lớn như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Biên Hòa - Vũng Tàu; Bến Lức - Long Thành; tuyến đường vành đai 3, 4 và đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Huyện Long Thành được xem là tâm điểm giao thông của khu vực miền Nam. Trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường giao thông huyết mạch hiện hữu là quốc lộ 51 và đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Hai tuyến cao tốc khác là Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu đang được triển khai. Ngoài ra còn có tuyến đường vành đai 4 kết nối với các tỉnh Tây Nguyên qua địa bàn huyện khoảng 10km, đường vành đai 3 cũng đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Cùng với đó là hệ thống đường tỉnh như ĐT769, đường 25B, 25C đang góp phần kết nối kinh tế huyện với các huyện lân cận và các tỉnh trong khu vực.

Lãnh đạo huyện Long Thành cho rằng, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giao thông tạo sự kết nối đồng bộ. Đó là tuyến đường 25C kết nối trực tiếp vào cửa ngõ sân bay, hương lộ 12, đường liên xã Long Phước - Phước Thái kết nối ra quốc lộ 51 tạo đà phát triển cho vùng phía Tây của huyện; đường liên xã Phước Bình - Tân Hiệp - Bàu Cạn - Cẩm Đường phát triển vùng kinh tế phía Đông của huyện; khu vực năng động nhất của huyện là phía Bắc bao gồm đô thị Bình Sơn, và các xã Lộc An, Long Đức, An Phước sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường vừa thúc đẩy kinh tế địa phương vừa kết nối giao thương với sân bay. Ngoài ra, huyện tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối khu vực nội thị theo tiêu chí thị xã Long Thành vào năm 2025 và hướng tới thành phố trong tương lai.

Cùng với đó, đô thị Long Thành cũng được định hướng trở thành một đô thị có môi trường trong lành, đáng sống mang tầm quốc tế, quốc gia. Là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, Tây nguyên, đồng thời là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về định hướng phát triển, thành phố sân bay sẽ trở thành đô thị thông minh kiểu mẫu của tương lai với 5 giá trị định vị cốt lõi bao gồm: các khu đổi mới sáng tạo đẳng cấp thế giới; chất lượng cuộc sống hàng đầu; hệ sinh thái hỗ trợ; trung tâm bồi dưỡng nhân tài và các ưu đãi đầu tư vượt trội.

Trong thành phố sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ xây dựng một thành phố thông minh kiểu mẫu của cả nước, xứng tầm khu vực, tập trung vào 3 ngành dịch vụ chủ lực là logistics, giáo dục và du lịch.

Việc quy hoạch đô thị Long Thành gắn với sân bay Long Thành, tiếp cận theo mô hình đô thị sân bay với những tiện ích không chỉ về thương mại, giao thông mà cả văn hóa, giải trí, kết nối du lịch với các tỉnh trong vùng, cả nước và quốc tế...Trong chiến lược phát triển của huyện những năm gần đây, công nghiệp và dịch vụ thương mại là hai ngành mũi nhọn. Do đó, bên cạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại và logistics, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai thời gian và quy trình xử lý hồ sơ cũng như các thủ tục pháp lý liên quan cho các nhà đầu tư; thường xuyên đối thoại, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Long Thành lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rất cụ thể về mục tiêu tổng quát, lĩnh vực đột phá, nhiệm vụ và giải pháp để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của huyện, hướng đến mục tiêu huyện Long Thành trở thành thị xã vào năm 2025.

Để thực hiện được đột phá của huyện về nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch và quản lý chặt chẽ quy hoạch, tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng như trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ huyện Long Thành đã nêu, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII đã có nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch, tạo sự đồng bộ giữa các quy hoạch, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, xem đây là động lực quan trọng khai thác tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hình thành các khu đô thị thông minh trên địa bàn huyện./.

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực