IMF đánh giá cao nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam

Thứ bảy, 02/07/2011 14:27

Ảnh minh hoạ (nguồn: vef.vn)

(ĐCSVN) - Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ năm 2011 diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh vừa qua, đại diện của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ đánh giá cao Chính phủ trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo IMF, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc ổn định thị trường ngoại hối. IMF cho rằng, tiền đồng hiện đang được kinh doanh thuận lợi trong phạm vi biên độ tỷ giá chính thức và áp lực lên giá đang diễn ra đủ để cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu bổ sung thêm dự trữ ngoại hối. Sự ổn định trong thị trường ngoại hối đã giúp giảm lợi tức rủi ro ngoài nước với chênh lệch lãi suất quốc gia của Việt Nam và chỉ số hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) thu hẹp bớt đi khoảng 100 điểm cơ bản từ đỉnh cao hơn 400 điểm cơ bản trong tháng 2.

Tuy vậy IMF cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam. Theo IMF, những thách thức lớn của Việt Nam vẫn còn. Lạm phát vẫn có xu hướng tăng lên và có khả năng cao hơn nữa trước khi bắt đầu giảm vào cuối năm 2011. Việt Nam cần xử lý được xu hướng tăng lên của lạm phát và ngăn không cho gây áp lực lên tiền đồng. Điều này đòi hỏi phải tăng thêm lãi suất chính sách và các biện pháp hành chính không thể là biện pháp thay thế cho việc tăng thêm lãi suất này. Ngân hàng Nhà nước cũng cần đảm bảo việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ được duy trì cho đến khi lạm phát vững trở lại và dự trữ ngoại hối được củng cố ở mức cao hơn, có như vậy mới thực hiện được giảm lãi suất lâu bền.

Về chính sách tài khoá, IMF cho rằng chính sách tài khoá cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Tuy Nghị quyết 11 đã bao gồm một số biện pháp để giảm thâm hụt tài khoá, nhưng vẫn có thể làm được nhiều hơn. IMF đưa ra ước tính, nếu Việt Nam tiết kiệm phần lớn các khoản vượt thu dự kiến thì thâm hụt ngân sách có thể được giảm xuống còn khoảng 4% của GDP (theo định nghĩa quốc tế) trong năm 2011, con số này ít hơn một nửa mức thâm hụt của năm 2009, và Việt Nam cũng có thể đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn khoảng 3% của GDP vào năm 2015. Theo IMF, điều này có thể đạt được nếu Việt Nam duy trì nỗ lực tăng nguồn thu phí dầu mỏ và sắp xếp lại các dự án đầu tư công đang tiến hành. Việt Nam cần nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn và trung hạn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho chính sách tiền tệ và nâng cao hiệu quả Nghị quyết 11 thông qua việc Chính phủ bảo đảm cam kết tài trợ các nhu cầu đầu tư về kinh tế và xã hội của Việt Nam trong một khuôn khổ tài khoá trên con đường phát triển bền vững.

Để đẩy nhanh các cải cách cơ cấu nhằm cải thiện tính cạnh tranh lâu dài của Việt Nam, IMF đã đưa ra ba gợi ý, đó là: 1) Nâng cấp cơ sở hạ tầng. Việt Nam cần có những đầu tư lớn trong cơ sở hạ tầng xã hội và kinh tế trong thập kỷ tới để giữ vững sự phát triển của Việt Nam. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có sự chặt chẽ hơn trong quản lý tài chính công và thiết lập lại các thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư công và tính hiệu quả của chúng; 2) Tăng cường các thể chế kinh tế. Ở mức vĩ mô, các cải cách để làm cho chính sách tiền tệ có hiệu quả và dễ dự đoán hơn, chính sách tài khoá minh bạch hơn dựa trên các nguyên tắc và hiệu quả cũng như nâng cấp hệ thống giám sát hệ thống tài chính. Ở cấp vi mô, cũng cần có những cải cách tương tự, như trong hệ thống luật pháp, cơ chế giải quyết tranh chấp và nền hành chính mở rộng hơn để mang lại một môi trường kinh doanh hiệu quả hơn. 3) Hiện đại hoá quản lý thông tin. Sự điều hành một nền kinh tế thị trường sẽ tốt hơn nếu có thông tin chất lượng cao và truyền tải thông tin hiệu quả. Việt Nam cần đầu tư vào các hệ thống tin thông kê cơ bản và công bố số liệu theo một phương thức kịp thời và thông thoáng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng cho quá trình ra quyết định và truyền tải thông tin hiệu quả các chính sách cho công chúng, góp phần loại bỏ các rủi ro và bất ổn của việc đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực