Kết nối Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2021

Thứ bảy, 04/12/2021 02:00
(ĐCSVN) – Sáng 3/12, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín, chương trình “Kết nối Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững làng nghề truyền thống Thành phố Hà Nội năm 2021” đã khai mạc. Sự kiện do Sở Công Thương Hà Nội, UBND huyện Thường Tín phối hợp tổ chức.
 Các đại biểu cắt băng khai mạc Chương trình

Chương trình tổ chức nhằm bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giữ gìn và phát huy các ngành nghề truyền thống phát triển bền vững; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống thêu, sơn mài, điêu khắc, xương sừng, mộc,...nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ hợp tác, liên kết sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Chương trình, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Năm 2021 là năm thứ hai chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, tình hình hạn chế lưu thông hàng hóa ở các nước dẫn đến xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong nước bị hạn chế. Bên cạnh đó, do tác động từ thị trường du lịch trong nước suy giảm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chịu ảnh hưởng do sức mua giảm sút, nhiều đơn hàng phải lùi thời hạn giao hàng hay hủy, nhiều mặt hàng đã làm xong nhưng không xuất khẩu được khiến lượng hàng tồn kho trong nước tăng. Các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đã phải giãn, hoãn tiến độ sản xuất, sản phẩm tồn kho, mất việc làm khu vực nông thôn gia tăng, làm cho đời sống của nhóm lao động yếu thế trong xã hội gặp khó khăn. 

 Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu khai mạc Chương trình.

Các làng nghề huyện Thường Tín tham gia Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững Làng nghề truyền thống Thành phố Hà Nội năm 2021” sẽ thiết thực giúp kích cầu tiêu dùng trong nước, vực lại sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn. Góp phần hỗ trợ tích cực doanh nghiệp sản xuất ngành Thủ công mỹ nghệ, quảng bá sản phẩm,  kết nối các chuỗi sản xuất tiêu dùng.

Phát biểu tại Chương trình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: Thường Tín có 28 xã, 1 thị trấn, huyện, 11 cụm công nghiệp đang hoạt động với trên 700 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuê đất. Các cụm công nghiệp có 126 làng có nghề, trong đó UBND Thành phố Hà Nội đã công nhận 48 làng nghề truyền thống 1 làng nghề Hà Nội. Thường Tín là vùng đất trăm nghề, các cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện luôn coi trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế địa phương.

Hàng năm UBND huyện bố trí ngân sách để xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề. Thường xuyên phối hợp với Sở Công thương thực hiện tốt các chương trình khuyến công, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đổi mới máy móc, trang thiết bị và cử các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nghề truyền thống tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Đến nay, UBND huyện đã phối hợp với các sở, ngành của Hà Nội hỗ trợ xây dựng được 6 thương hiệu làng nghề điêu khắc Nhân Hiền, làng mộc Vạn Điểm, lưới cước Trần Phú, hoa cây cảnh Nội Thôn, mộc mỹ nghệ Phúc Trạch, Hoa cây cảnh Hồng Vân; 3 nhãn hiệu tập thể là thêu tay Thường Tín, Sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái, Chăn, ga, gối đệm Trát cầu xã Tiền Phong.

Thành phố đã công nhận 55 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ. Tổng sản phẩm OCOP được công nhận là 103 sản phẩm và năm 2021 sẽ đề nghị 50 sản phẩm. Hiện nay, huyện Thường Tín có các sản phẩm OCOP lớn nhất Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng tiếp tục đăng ký tham gia Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên.

 Một gian hàng giới thiệu sản phẩm trong Chương trình

Tại Chương trình các đơn vị tham gia giới thiệu, trưng bày nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như sản phẩm làng thêu Quất Động, lược sừng làng Thụy Ứng, mây tre đan Ninh sở, bánh dày Quán Gánh, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, tiện Nhị Khê, điêu khắc Nhân Hiền, mộc cao cấp Vạn Điểm... Các sản phẩm của làng nghề trưng bày đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Tại Chương trình Ban tổ chức cũng trao chứng nhận cho đại diện các tập thể cá nhân có sản phẩm tham dự Chương trình.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2021” tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hệ thống triển lãm trực tuyến tại địa chỉ http://www.tdbvhn.vr- worldexpo.com. Chương trình diễn ra từ ngày 3-5/12/2021.

Sự kiện “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững làng nghề truyền thống” là hoạt động thực hiện Quyết định số 889/QĐ -TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 09/3/3021 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực