Khai mạc Phiên chợ nông, đặc sản vùng miền cùng Tuần lễ quảng bá na Lạng Sơn 2022

* Quả na Lạng Sơn có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường
Thứ tư, 10/08/2022 16:23
(ĐCSVN) - Sản phẩm na Chi Lăng hiện chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, một phần được bán sang Trung Quốc do đó còn nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường, xuất khẩu ra các nước khác trong khu vực và thế giới.

Ngày 10/8, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 và Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.

Các đại biểu ấn nút khai mạc

Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và nông, đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022; Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 diễn ra từ ngày 10 - 16/8 năm 2022.

Với quy mô 150 gian hàng, các doanh nghiệp mang đến Hội chợ nhiều mặt hàng nông lâm thủy hải sản, hàng tiêu dùng, lương thực; thực phẩm đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm nông đặc sản đảm bảo nguồn gốc xuất sứ rõ ràng như: na Lạng Sơn, quýt Bắc Sơn, quế Văn Yên, mật ong Bạc Hà Mèo Vạc, hồng không hạt Bắc Kạn, chè Tân Cương, chè Shan tuyết Mộc Châu, chả mực Hạ Long, chuối ngự Đại Hoàng, tôm nõn, mực nhảy Vũng Áng, nước mắm đài Hải Ngư; hành, tỏi Lý Sơn; rau, củ, quả Mộc Châu...

Tại phiên chợ, Ban tổ chức cũng trưng bày phong phú nhiều mặt hàng như nông, lâm, thủy sản, đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề nông thôn Việt Nam. Đặc biệt tại Chương trình này có sự kết hợp với Tuần lễ quảng bá na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay, Lạng Sơn đã hình thành vùng sản xuất tập trung trồng na tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích hàng năm trên 4.000ha, trong đó, 1.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản lượng na hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn, giá trị sản xuất khoảng 1.200 tỷ đồng. Bình quân thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác na đạt 275 triệu đồng/ha. Riêng đối với sản phẩm na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cấp chứng nhận được bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản na Chi Lăng vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Năm 2017, 2018 được tôn vinh "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam".

Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh, bên cạnh các gian hàng giới thiệu trái na đặc sản, tại sự kiện này tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ giới thiệu, quảng bá một số nông sản đặc sản khác như: hoa hồi, rau đặc sản các loại (cải làn, cải ngồng, rau bò khai, rau sắng…), thạch đen, quýt, hồng vành khuyên... "Đây là những sản vật đặc sản của tỉnh Lạng Sơn đã được xếp hạng OCOP 3 và 4 sao. Thông qua sự kiện này, tỉnh Lạng Sơn mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ đó quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu", ông Quỳnh chia sẻ.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo điện tử ĐCSVN ghi nhận tại Phiên chợ:

 Sản phẩm na Chi Lăng, Lạng Sơn là sản phẩm OCOP
Các đại biểu tham quan gian hàng của Lạng Sơn 
Gian hàng của huyện Chi Lăng, Lạng Sơn
Một gian hàng cà phê cung cấp sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất tới người tiêu dùng Thủ đô và vùng lân cận của Hà Nội
Một gian hàng của Hà Nội
 Gian hàng giới thiệu các sản phẩm gia vị, đồ khô
Gian hàng giới thiệu sản phẩm chiết xuất từ cây, củ, quả 
Gian hàng trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang 
Tin, ảnh: HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực