Kho Bạc Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn bộ máy

Thứ ba, 08/10/2019 15:16
(ĐCSVN) - Trước yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cải cách quản lý tài chính công theo chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính, trong thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tập trung triển khai việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn gắn với cải cách hành chính và hiện đại hóa hệ thống KBNN.

Giảm 128 cấp phòng thuộc kho bạc cấp tỉnh

Trong những năm qua, KBNN đã dần được củng cố, hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy; cải cách thể chế, chính sách; hiện đại hóa công nghệ, hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định vững chắc theo đúng mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Đây là những định hướng phát triển hết sức cơ bản và quan trọng để hệ thống KBNN bước vào hội nhập, phát triển theo hướng hiện đại, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

KBNN được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, thành hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, phù hợp với tổ chức bộ máy của nền hành chính Nhà nước và tổ chức của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Theo đó, tại cơ quan Kho bạc Nhà nước ở Trung ương có cơ quan KBNN, ở địa phương là KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và KBNN cấp huyện.

Trước yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cải cách quản lý tài chính công theo chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính, trong thời gian qua, hệ thống KBNN đã tập trung triển khai việc việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy.

Theo Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ, từ ngày 1/10, hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục cắt giảm 128 phòng tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; sáp nhập, cắt giảm 15 Kho bạc Nhà nước cấp huyện và xóa bỏ 48 cấp tổ đội tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết, đây là bước tiến mới của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và Quyết định số 1618/QĐ-BTC ngày 22/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, từ năm 2015 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã cắt giảm được 294 cấp phòng thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; rà soát, cắt giảm 15 Kho bạc Nhà nước cấp huyện và trên 1950 cấp tổ đội thuộc Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

Theo Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ, việc rà soát, kiện toàn tinh gọn bộ máy được đã hệ thống Kho bạc Nhà nước kết hợp đồng bộ với việc sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức.

“So với năm 2015, toàn ngành đã cắt giảm được gần 1.200 chỉ tiêu biên chế; thực hiện rà soát, tinh giản biên chế trên 160 công chức do hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Kho bạc Nhà nước quyết tâm đến 2021 cắt giảm tối thiểu 10% chỉ tiêu biên chế được giao so với năm 2015”, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ nói.

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Cải cách, ứng dụng công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ

Song song với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đẩy mạnh cải cách quy trình nghiệp vụ, hiện đại hóa công nghệ quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ.

Trong công tác thu ngân sách Nhà nước, toàn ngành đã điện tử hóa phương thức trao đổi dữ liệu thu ngân sách giữa cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại, rút ngắn thời gian thực hiện một giao dịch thu ngân sách Nhà nước từ 30 phút xuống còn 05 phút/giao dịch.

Đối với kiểm soát chi, hồ sơ, quy trình thủ tục được đơn giản hóa, từng bước chuyển sang thanh toán trước, kiểm soát sau; thời gian kiểm soát thanh toán chi đầu tư giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, chi tạm ứng, thường xuyên thực hiện trong ngày. Áp dụng các dịch vụ công mức độ 3,4 trong công tác kiểm soát chi, mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Đại diện lãnh đạo ngành kho bạc cũng cho biết, việc triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách nhà nước (TABMIS), giúp cho quản lý quỹ ngân sách nhà nước được gắn kết chặt chẽ với quy trình quản lý ngân sách từ khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách; triển khai thanh toán điện tử tập trung với hệ thống ngân hàng, đảm bảo mọi giao dịch được xử lý tự động, nhanh chóng, chính xác, an toàn; phát triển hệ thống thông tin quản lý nợ, quản lý ngân quỹ, quản lý kho quỹ,...

Với việc kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế và cải cách hành chính, hiện đại hóa hệ thống KBNN thời gian qua đã từng bước hình thành KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt các chức năng quản lý nhà nước được Chính phủ và Bộ Tài chính giao.

Trong năm 2020 và các năm tiếp theo, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết ngành đang triển khai xây dựng Đề án thực hiện sắp xếp tổ chức Kho bạc Nhà nước theo khu vực liên huyện.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu sắp xếp tổ chức theo khu vực, phù hợp với việc sắp xếp, sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp. Theo lãnh đạo Kho bạc Nhà nước thì định hướng ngành sẽ tổ chức theo mô hình 2 cấp, tại trung ương là cấp hoạch định chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện, loại bỏ các cấp trung gian.

“Về cơ bản, các giao dịch sẽ được xử lý tập trung tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, ngoài ra có các điểm giao dịch tiếp nhận hồ sơ chứng từ và xử lý các giao dịch đơn giản, mức độ rủi ro thấp”, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực