Các đồng chí chủ trì Hội thảo.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng 2/5, tại Hà Nội, đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đồng chí đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề 1:“Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày”.
Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực du lịch.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia, liên kết của rất nhiều ngành, như: Văn hóa, thể thao; Giao thông vận tải; Công thương; Nông nghiệp; Tài chính; Ngân hàng; Ngoại giao; Công an; Thông tin và truyền thông,… Trong những năm qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển nhanh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tăng trên 10%/năm; đóng góp trên 6,8% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, ngành Du lịch còn một số tồn tại, hạn chế. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực; sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy…
Trước thực trạng đó, ngày 16 tháng 01 năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW Về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, du lịch nước ta được kỳ vọng đến năm 2020 sẽ thu hút được 17 - 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, chỉ tiêu tổng thu du lịch là 35 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm cho người lao động và cơ bản đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động. Trong đó, Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt tháng 12/2018 nêu rõ mục tiêu: “Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch ẩm thực”. Đó cũng là những nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề: “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày”.
Hình ảnh tại Hội thảo.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn, đây là Hội thảo có ý nghĩa thiết thực đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Hội thảo tập trung trao đổi, hiến kế, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách về 4 nhóm vấn đề quan trọng: Vấn đề cải thiện tính cạnh tranh của chính sách thị thực Việt Nam; Vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh và tính bền vững của du lịch Việt Nam; Vấn đề cải thiện hạ tầng hàng không Việt Nam và Vấn đề chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam.
Hội thảo dành phần lớn thời lượng cho đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân đối thoại chính sách, trao đổi về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam./.