|
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang hiện nay đang là nơi neo đậu lớn nhất, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận hải thuỷ sản đánh bắt của ngư dân các tỉnh miền Trung. |
Phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) nằm ở hạ lưu và cửa sông Hàn, có 03 mặt giáp với sông và biển. Đây cũng là một trong những phường của TP Đà Nẵng nằm trong khu vực biên giới biển. Do đó, biển và kinh tế biển được xác định là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế- xã hội và có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quốc phòng- an ninh cho phường, quận và TP Đà Nẵng.
Xuất phát từ lợi thế và tiềm năng đó, đồng thời phát huy truyền thống lâu đời của nghề khai thác hải sản mà cha ông để lại, các thế hệ ngư dân tại Nại Hiên Đông vẫn đang tiếp tục đầu tư, đưa nghề biển này thành một nghề kinh tế quan trọng của gia đình và đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Ông Cao Văn Minh- một ngư dân có kinh nghiệm 35 năm đi biển tại Nại Hiên Đông cho biết, ở phường này, những ngư dân lão luyện và giàu kinh nghiệm đi biển từ 30 năm trở lên như ông có rất nhiều, có người này đã 80 tuổi, dù sức khỏe đã yếu nhưng hằng ngày vẫn quan tâm hướng dẫn, chỉ bảo kinh nghiệm và truyền nghề cho con cháu.
“Ngày trước, tàu thuyền đi biển còn nhỏ, đánh bắt chỉ bằng thủ công. Sau này, khi điều kiện kinh tế cho phép, đặc biệt hiện nay với sự hỗ trợ của Nhà nước và các lực lượng chức năng trên biển, nghề khai thác hải sản của ngư dân chúng tôi càng thuận lợi hơn nhiều. Rất nhiều gia đình từ nghề biển đã có kinh tế khá, không chỉ 01 tàu mà có hộ có từ 02 đến 04 tàu. Bộ mặt làng biển cũng từng ngày thay đổi”- ông Minh chia sẻ và tin tưởng, dù dịch COVID-19 trước mắt đang ảnh hưởng nhiều đến nghề khai thác thủy sản, trong đó có không ít người đang dự định sẽ đổi nghề. “Tuy nhiên, số đông vẫn rất quyết tâm giữ nghề và mong muốn được bám biển, được chinh phục những vùng biển xa để làm giàu. Chúng tôi kỳ vọng, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, làng biển lại trù phú hơn xưa”- ông Minh cho biết.
|
Thuỷ hải sản đánh bắt được sau khi nhập về Cảng cá Thọ Quang sẽ được vận chuyển đi tiêu thụ các nơi.
|
Theo đồng chí Nguyễn Huy Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nại Hiên Đông, từ năm 2010 về trước, số lượng tàu cá công suất lớn trên địa bàn chưa nhiều, chủ yếu là tàu công suất nhỏ và khai thác ở vùng lộng và ven bờ. Ngư dân khai thác hải sản với ngư lưới cụ, trang thiết bị thông tin liên lạc thiếu đồng bộ; ý thức tham gia tổ, đội còn hạn chế. Dịch vụ hậu cần thủy sản chưa phát triển… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự quan tâm của quận và TP, nhất là trong thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển thủy sản nên đã tạo nhiều thuận lợi cho nghề khai thác thủy sản trên biển tại địa phương phát triển mạnh. Nhiều ngư dân đã mạnh dạn cải hoán hoặc đóng tàu mới có công suất lớn và trang bị các thiết bị phục vụ cho việc đánh bắt khá hiện đại, từ đó đưa năng suất, sản lượng đánh bắt lên cao hơn.
“Đặc biệt, TP đã quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá trên địa bàn khá đồng bộ như: Khu đóng và sữa chữa tàu thuyền, Khu công nghiệp thủy sản, Âu thuyền, Cảng cá , Chờ đầu mối thủy sản nằm kề nhau, tạo nhiều thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của ngư dân cũng như thúc đẩy dịch vụ hậu cần nghề cá của phường nói riêng và của TP nói chung phát triển. Không dừng lại ở đó, hiện nay Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đang tiếp tục được TP đầu tư, nâng cấp, công tác quản lý được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu neo đậu tàu thuyền, mua bán và chế biển hải sản. Cạnh đó, Khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động, thu mua và chế biến các mặt hàng thủy sản phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, giữ vai trò quan trọng trong giải quyết đầu ra cho sản phẩm khai thác được”- Bí thư Đảng ủy, Chủ tich HĐND phường Nại Hiên Đông chia sẻ thêm.
Theo ông Lưu Quang Khánh, Chi Cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP Đà Nẵng, thực tế nhờ vào lợi thế của Nại Hiên Đông và Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Bắc mà cả một khu vực ven biển rộng lớn tại quận Sơn Trà được TP Đà Nẵng quy hoạch, chọn là địa bàn trọng tâm của nghề biển toàn TP. Trong khi đó, xa hơn một ít và cũng nằm ven bờ và Vịnh Đà Nẵng là các địa bàn có nghề cá mạnh của TP như Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, nhiều Khu công nghiệp với các nhà máy chế biến- xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản hay các làng biển, làng nghề truyền thống ven biển tại đây hiện cũng đang khá phát triển, là những xung lực để nghề biển tại Đà Nẵng được lưu giữ, phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, để nghề biển tiếp tục có thêm động lực để phát triển, nhiều năm qua, Đà Nẵng đã từng bước xây dựng các mô hình đánh bắt hiệu quả, an toàn trên biển, nhất là hình thành các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển hay như hiện nay đang xúc tiến thành lập các đội Dân quân biển. Đây là các tổ chức hỗ trợ, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt trên biển, nhất là trong hỗ trợ giúp nhau về hoạt động khai thác, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kỹ thuật khai thác; phòng chống rũi ro thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc
|
Tàu thuyền ngư dân các tỉnh miền Trung neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). |
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, đến nay toàn TP đã thành lập được 129 tổ đoàn kết hoạt động khai thác thủy sản với 840 tàu cá thành viên tham gia, trong đó có 94 tổ (575 tàu) hoạt động vùng khơi, 35 tổ (265 tàu) hoạt động vùng lộng và ven bờ. Việc ra đời các tổ đoàn kết này đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con ngư dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn TP.
Trong khi đó, hiện tại các phường ven biển tại Đà Nẵng đã lựa chọn tuyển dụng đưa đi đào tạo nghiệp vụ để biên chế vào các đội Dân quân trên biển. Đây sẽ là lực lượng được biên chế riêng để hỗ trợ ngư dân trên biển khi gặp khó khăn cần hỗ trợ.
Về định hướng phát triển của nghề biển những năm tới, đại diện Chi cục Thuỷ sản TP cho hay, trên cơ sở định hướng từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và của Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025 cùng các chính sách, quy hoạch có liên quan của Chính phủ, TP Đà Nẵng đang nỗ lực tập trung phát triển ngành thủy sản với phương châm tiếp tục chuyển từ khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực.
TP Đà Nẵng sẽ thúc đẩy các hoạt động khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong khái thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: “Phát triển kinh tế thủy sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong đó cần tập trung phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân. Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá; xây dựng và phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản khai thác nhằm đảm bảo nguồn tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng trưởng lợi nhuận cho ngư dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khai thác, bảo quản, chế biến hải sản; tạo ra sản phẩm thủy, hải sản chủ lực, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang”. |