Lần đầu tiên diễn ra Festival làng nghề Việt Nam quy mô quốc tế

Thứ tư, 01/11/2023 15:53
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Với sự phối hợp triển khai của nhiều đơn vị, Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 sẽ diễn ra từ ngày 09 đến 12/11/2023 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Kết nối, hội tụ và lan tỏa làng nghề truyền thống Việt

Sáng 1/11, tại Trung tâm xúc tiến thương mại và phát triển nông nghiệp (Agritrade), Hà Nội, đã diễn ra họp báo giới thiệu về Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 và Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 19 năm 2023, thu hút đông đảo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội tham dự.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Agritrade phát biểu khai mạc (Ảnh: HNV)

Phát biểu khai mạc tại họp báo, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Agritrade đã cho biết, đây là lần đầu tiên hoạt động Festival này được tổ chức. Trên cơ sở tiếp nối thành công của Hội chợ Làng nghề Việt Nam những năm trước, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 với quy mô quốc tế. “Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của Thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác. Thông qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố Hà Nội và cả nước; qua đó từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề” - Giám đốc Nguyễn Minh Tiến khẳng định.

Làng nghề có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn. Sự phát triển làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, sử dụng và phát huy các nguồn lực về lao động, vốn và các nguồn lực khác trong nhân dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn. Hiện, cả nước ta có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 2.008, thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…

Từ phải ảnh sang: bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục KTHT và PTNT; ông Nguyễn Minh Tiến,  Giám đốc Agritrade; ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tại họp báo (Ảnh: HNV) 

Thông tin chi tiết về Festival tại họp báo, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết thêm, khác với các năm trước, Festival năm nay sẽ diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật và ý nghĩa như: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ; biểu diễn Chương trình nghệ thuật văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”. Đặc biệt, hàng loạt các hoạt động hưởng ứng Festival do UBND TP Hà Nội chủ trì thực hiện như: Lễ rước Tổ nghề và tuần văn hóa du lịch – thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu Hội nhập”; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023 và Tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm….

Đáng chú ý là trong khuôn viên Festival tại Hoàng thành Thăng Long, sẽ diễn ra Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP với quy mô 300 gian hàng, trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước cũng như các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương trong cả nước.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, đến với Festival, người dân sẽ có cơ hội thưởng lãm không gian sáng tạo Làng nghề Hà Nội, trưng bày, giới thiệu và tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu kết tinh từ việc phát huy truyền thống, sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề truyền thống của Hà Nội; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ quốc tế sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ, kết tinh văn hóa của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nước các nước: Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga; Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023; Không gian làng nghề di sản sẽ trưng bày, giới thiệu kết hợp trình diễn tại chỗ 25 nghề thủ công truyền thống của 19 tỉnh, thành phố đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, điển hình: Nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu và nghề cốm Mễ Trì (TP. Hà Nội); Nghề chạm bạc của người Nùng (Hà Giang), nghề mộc Kim Bồng và nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam); nghề làm nón lá Sai Nga (Phú Thọ); nghề dệt chiếu (Đồng Tháp); nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè, Trà Đông (Thanh Hóa); nghề dệt Dèng của người Tà Ôi (tỉnh Thừa Thiên Huế); Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền địa phương cũng như khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, trong đó, mời một số nghệ nhân tiêu biểu và các nghệ nhân đoạt giải tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2023 thao diễn tại chỗ một số nghề truyền thống như nghề gỗ mỹ nghệ, nghề thêu, nghề dệt lụa, nghề nón lá, nghề gốm, nghề đồng...

Cũng tại họp báo, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, việc tổ chức Festival sẽ tạo ra môi trường, cơ hội để trao đổi, giao lưu giữa các nghệ nhân và các làng nghề, đặc biệt qua đó, giúp cộng đồng làng nghề Việt tìm hiểu, đổi mới sáng tạo, hướng tới học hỏi kinh nghiệm của các làng nghề bạn cả trong và ngoài nước để sáng tạo ra nhiều sản phẩm có tính nghệ thuật cũng như tính ứng dụng cao.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin thêm về tính hội tụ và lan tỏa của hoạt động Festival lần này, không chỉ khắc phục tính rời rạc, riêng lẻ trong các hoạt động mà còn tạo thành chuỗi sự kiện và hoạt động vừa bảo tồn, vừa phát triển làng nghề, đem đến những câu chuyện văn hóa, truyền thống và gia tăng giá trị của làng nghề thủ đô nói riêng, làng nghề cả nước nói chung./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực