“Lắng nghe – Thấu hiểu và Chia sẻ” những giá trị văn hóa ẩm thực miền Trung

Chủ nhật, 08/08/2021 16:46
(ĐCSVN) – Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam khẳng định, chuỗi sự kiện trao đổi trực tuyến về “Du lịch văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung là một trong các hoạt động hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhằm lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực nói riêng và văn hóa tinh thần nói chung của miền Trung.

Đưa ẩm thực miền Trung tới đông đảo thực khách trong nước và quốc tế

 Ảnh: BTC

Là người chỉ đạo nội dung, cố vấn chuỗi sự kiện “Talk Show” trực tuyến, ông Lê Tân cũng nhấn mạnh: chuỗi sự kiện được tổ chức với mục đích góp phần cùng nhau thực hiện chỉ đạo của Chính phủ với thông điệp “ai ở đâu, ở yên đấy”, dù giãn cách xã hội nhưng vẫn lao động thông qua việc sử dụng công nghệ 4.0 để làm việc, tự tin, bình tĩnh can đảm và tìm cách vượt qua dịch bệnh nhằm đổi mới sáng tạo hoạt động kinh doanh trong tình hình mới.

Phóng viên (PV): Có thể thấy, sự kiện đầu tiên tổ chức hồi tháng 7 với chủ đề “Sáng kiến cộng đồng: Văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung” đã khá thành công. Ngày 14/8 tới đây, sự kiện thứ hai nằm trong chuỗi hoạt động này sẽ tiếp tục diễn ra. Xin ông chia sẻ?

Ông Lê Tân: Trong thời điểm nhạy cảm về dịch bệnh kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng thị trường, chúng ta nói chung đang sống trong trạng thái luôn phòng thủ để đối phó với sự an toàn của cuộc sống. Trong lúc chính phủ, lãnh đạo địa phương và đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an được xem là “lá chắn” trực tiếp (thường gọi là tuyến đầu) thì ẩm thực hay cao hơn là chuỗi giá trị của văn hóa ẩm thực cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong “mặt trận hậu phương”.

Vì lẽ đó, việc thực hiện chuỗi sự kiện talk show “Du lịch văn hóa ẩm thực - Con đường di sản miền Trung” được chúng tôi triển khai với mục đích góp phần cùng nhau ủng hộ chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước theo đúng tinh thần “ai ở đâu, ở yên đấy” góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, sử dụng công nghệ 4.0 để làm việc hiệu quả, đổi mới sáng tạo hoạt động kinh doanh trong tình hình mới.

Talk show lần 2 với mong muốn cho công chúng và du khách thấy rõ được tính hợp lý của sự liên kết các địa phương có Di sản thế giới tọa lạc. Với giá trị lịch sử của Kinh đô Việt Nam (dưới triều đại Nhà Nguyễn, một trong những vương triều cuối cùng trên thế giới), chúng tôi sẽ giới thiệu những giá trị của văn hóa ẩm thực miền Trung theo hướng gợi mở để truyền tải thông điệp “Lắng nghe – Thấu hiểu – Chia sẻ” mỗi khi đi qua vùng đất của di sản.

 Đặc sắc ẩm thực miền Trung (Ảnh: BTC)

PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về tính đặc sắc của ẩm thực miền Trung?

Ông Lê Tân: Bạn biết đấy, văn hóa ẩm thực miền Trung được kế thừa từ nghiên cứu chuyên sâu (đảm bảo đúng với định tính, định hình, định lượng trong chế biến) bởi những chuyên gia hàng đầu về ẩm thực của Kinh đô Huế (ngày xưa). Món ăn miền Trung nói chung chú trọng sự hòa hợp giữa thuật âm dương ngũ hành chế biến nên món ăn để tái tạo sức khỏe và chữa bệnh. Do vậy, món ăn miền Trung phải được sử dụng chuỗi giá trị và hệ sinh thái của cây – con - củ - quá được nuôi trồng chế biến từ miền Trung mới đậm chất, lành tính, ngon và bổ dưỡng.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại còn có những món ăn tẩm ướp nhiều hóa chất độc hại cũng như sự lên ngôi của nhiều món ăn nhanh, ít chất bổ dưỡng thì giá trị thực sự của ẩm thực miền Trung sẽ độc đáo, hấp dẫn và đặc sắc không thể lẫn với một vùng miền nào khác.

PV: Như ông chia sẻ thì ẩm thực miền Trung cũng sẽ ở diện tinh túy về chất lượng và giá trị, nếu vậy sẽ kén chọn người tiêu thụ. Theo ông, cần phải làm gì để biến món ăn truyền thống quý giá đó thành món ăn phổ biến, thuận lợi và có thể sử dụng rộng rãi?

Ông Lê Tân: Mục tiêu của chuỗi sự kiện là hướng tới việc liên kết “Bốn nhà” (nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh) để lan tỏa rộng rãi hơn phong vị cảm thụ ẩm thực đặc trưng của miền Trung gồm cay, chua , mặn, chát. Muốn mở rộng ra cả nước, thậm chí vươn ra thế giới, cần phát huy và xây dựng cơ chế sáng tạo đổi mới áp dụng triệt để khoa học công nghệ và hình thành đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu phối hợp với các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực biến tấu và chế biến món ăn (công nghệ) có thể cấp đông, ướp lạnh, sấy khô, nhất là phù hợp với khẩu vị của các vùng miền và thực khách trên thế giới. Làm được như vậy, chúng ta mới tính đến chuyện làm giàu và phát triển bền vững từ ẩm thực được.

 Talk show lần thứ hai sẽ tổ chức vào 14/8 tới (Ảnh: BTC)

PV: Talk show lần thứ hai tới đây có nhận được sự quan tâm của các bên ra sao? Sẽ đem đến kiến thức và kinh nghiệm cụ thể nào cho các cá nhân, đơn vị hoạt động trong ngành ẩm thực, thưa ông?

Ông Lê Tân: Phải khẳng định rằng, trong Talk show lần thứ nhất vào ngày 17/7 vừa qua, Ban tổ chức chúng tôi đã ghi nhận nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt thu hút sự đồng hành, hưởng ứng từ công chúng nhất là sự chú ý chỉ đạo và vào cuộc của cơ quan Trung ương, tổ chức xã hội.

Lần thứ hai tới đây, chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm tham gia của các diễn giả từ Hà Nội, các tỉnh miền Trung và cả TP Hồ Chí Minh.

Với sự kiện trực tuyến đã đang và sẽ thực hiện này, chúng tôi mong muốn dùng ngôn ngữ ẩm thực để truyền tải thông điệp chung tay xây dựng hiệu quả liên kết “bốn nhà” trong lan tỏa những giá trị văn hóa ẩm thực, trong đó đặc biệt có ẩm thực miền Trung với nét đặc sắc khó trộn lẫn, xây dựng, củng cố và lan tỏa giá trị đích thực của văn hóa ẩm thực miền Trung.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực