Liên kết để phát huy tiềm năng du lịch khu vực Đông Nam Bộ

Thứ tư, 01/07/2020 15:53
(ĐCSVN) – Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Đông Nam Bộ đã gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc liên kết phát triển du lịch các tỉnh, thành phố thuộc khu vực này sẽ là cơ hội để phục hồi sau dịch, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch đối với vùng có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế của cả nước.
Đồng Nai có khá nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. (Ảnh: K.V) 

Chương trình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, vị trí chiến lược và đẩy mạnh kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành phố gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện sản phẩm du lịch trong vùng Đông Nam Bộ đã có, tuy nhiên tính hấp dẫn, liên tuyến, liên vùng chưa chặt chẽ nên cần sự hợp tác nhằm xây dựng sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng; thúc đẩy đầu tư vào du lịch; tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch...

Qua hoạt động quảng bá này cũng góp phần kích cầu du lịch nội địa và phục hồi ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các địa phương trong khu vực đã lên kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025. Theo đó, sẽ phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình kích cầu du lịch kết nối từ TP.Hồ Chí Minh tới 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, xây dựng chương trình du lịch gắn với tham quan các khu di tích lịch sử; chương trình du lịch sinh thái cộng đồng; chương trình văn hóa trải nghiệm ẩm thực, làng nghề truyền thống; du lịch đường thủy kết hợp với các phương tiện khác. Cụ thể, sẽ xây dựng một số tuyến du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh - Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai; TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh; TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước...

Những tour tuyến này được xây dựng với chính sách giá riêng cho doanh nghiệp lữ hành 6 địa phương nhằm tạo sản phẩm có tính cạnh tranh và khuyến khích doanh nghiệp lữ hành khai thác, kích cầu du lịch đến với 6 tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cho biết, một số địa phương như Bình Dương có tiềm năng về tài nguyên du lịch, nếu giải quyết bài toán về giao thông sẽ phát triển trong tương lai gần. Đối với các tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai…, đây cũng là các địa phương có rất nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ, liên kết với TP.Hồ Chí Minh.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng, trong hợp tác phát triển du lịch nhất định phải có sự liên kết vùng để phục vụ cả khách du lịch thuần túy lẫn khách đi công vụ. Có 4 nội dung tập trung trong vấn đề liên kết gồm: Phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến; đầu tư vào phát triển hạ tầng hoặc các tuyến điểm dịch vụ về du lịch; liên kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng là cần thiết để tăng sức cạnh tranh, đa dạng hóa các sản phẩm, tuyến du lịch và các địa phương có cơ hội thu hút đầu tư cao… đang là vấn đề cấp bách mà các địa phương Đông Nam Bộ phải cùng nhau chung tay thực hiện.

Khu du lịch biển Long Hải- TP Bà Rịa. (Ảnh: K.V) 

Trên cơ sở đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố để thúc đẩy sự phát triển du lịch trong vùng được bền vững, khẳng định thương hiệu trong khu vực và quốc tế. Trên thực tế, muốn tăng cường liên kết giữa các địa phương trong lĩnh vực du lịch, hệ thống giao thông cần phải được đầu tư, tạo ra kết cấu hạ tầng thuận lợi, tăng cường các đường dẫn đến các tuyến điểm du lịch, cảng thủy nội địa, bến bãi đường sông. Cùng với đó là tăng cường đầu tư xây dựng, khai thác các khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch… Đồng thời, đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực của ngành.

Với đặc điểm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch của vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu kỹ, có kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán của từng địa phương, chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng thực hành. Cùng với đó là liên kết trong phát triển sản phẩm và công tác quảng bá, truyền thông cần phải có chiến lược cụ thể: mỗi địa phương trong vùng đều có đặc trưng riêng: Bà Rịa-Vũng Tàu có sản phẩm du lịch biển đảo; Bình Phước có tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực gắn với văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao; Đồng Nai có lợi thế phát triển du lịch khám phá-mạo hiểm-trải nghiệm; Tây Ninh có chiến khu D và núi Bà Đen… đồng thời, cần khai thác hiệu quả sự đa dạng và khác biệt này trong chiến lược xây dựng sản phẩm chủ lực, thương hiệu chung cho vùng; cần phải thường xuyên đổi mới, hoàn thiện sản phẩm cũng như các yếu tố bổ trợ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của du lịch vùng.

Được biết, trong năm 2019, vùng Đông Nam Bộ đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế và hàng chục triệu lượt khách trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lĩnh vực du lịch, Đông Nam Bộ vẫn có khả năng thu hút nhiều hơn nữa. Để làm được điều đó, các địa phương cần có sự liên kết, tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng, tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh cho du lịch nội địa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đó cũng là xu hướng chung để ngành du lịch vùng Đông Nam Bộ tập trung khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực