Liên kết doanh nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ:Cơ hội từ phát triển kinh tế rừng bền vững

Thứ tư, 27/09/2023 20:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Các biện pháp phát triển rừng bền vững, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế xanh là cần thiết để thực hiện các mục tiêu kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang  

Phát biểu tại Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27/9, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, diến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn hẹp, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế xanh đang là xu hướng của toàn cầu.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Trong Nghị quyết (NQ) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng là chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; kiên quyết loại bỏ các dự án làm ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu.

Đặc biệt NQ11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ11 xác định phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh  vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 xác định vùng trung du miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Đây là tư duy đổi mới, mang lại tầm nhìn phát triển rõ cho vùng.

Thực hiện chủ trương trên, Tuyên Quang cụ thể hóa bằng các chương trình hành động và NQ cụ thể. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, suy giảm kinh tế toàn cầu, tỉnh vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 9% trong vòng 5 năm trở lại đây. GDP bình quân đầu người từ 2005 đến nay tăng lên 11 lần.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang đã phát huy sức mạnh, ưu thế trong phát triển kinh tế rừng. Tuyên Quang có khoảng 448 nghìn hecta đất lâm nghiệp, chiếm 76% đất tự nhiên với độ che phủ rừng đứng thứ 2 cả nước và luôn duy trì trên 65%. Đáng chú ý, rừng cấp chứng chỉ rừng bền vững để phục vụ xuất khẩu gỗ sang các nước phát triển chiếm 48.300 hecta.

Với những lợi thế của tỉnh, Tuyên Quang đã coi phát triển kinh tế rừng bền vững là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế. Tập trung kiểm soát chặt chẽ với tinh thần rừng đặc dụng phải bảo vệ, đảm bảo giữ vững diện tích rừng đặc dụng nhằm phát huy giá trị cảnh quan rừng đặc dụng làm du lịch.

Với rừng phòng hộ, Tuyên Quang đang tập trung trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ. Hiện Tuyên Quang đang sở hữu 1000 hecta cây dược liệu trồng trong rừng phòng hộ lĩnh vực này đang thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực dược liệu. Đây cũng là hướng đi mới nhằm phát triển rừng bền vững và nâng cao thu nhập của người dân.

Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ 

Với việc sở hữu 190 nghìn hecta rừng sản xuất, Tuyên Quang đang triển khai các hình thức khai thác như trồng 2 cây chặt 1 cây để đảm bảo tính bền vững của rừng sản xuất. Đồng thời, ông Sơn cho biết, Tuyên Quang đang có 8 nhà máy chế biến giấy, cũng như các sản phẩm về gỗ chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường phát triển.

Ông Sơn cho biết, tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh thuộc vùng Bắc Bộ vẫn còn tồn tại 3 điểm nghẽn lớn đang cần tập trung cao độ là Quy hoạch, Hạ tầng và Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, Tuyên Quang còn nhiều khó khăn. Nỗ lực trong 2 năm gần đây làm đường cao tốc kết nối Nội Bài - Lào Cai với Tuyên Quang và dự kiến trong năm nay sẽ được khánh thành, và dự kiến năm 2025 có tuyến đường xuyên qua tỉnh Tuyên Quang, đồng thời triển khai những tuyến đường kết nối ngang để kết nối với các địa phương khác như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang để giải quyết vấn đề hạ tầng liên kết vùng, mang lại cơ hội phát triển cho các tỉnh vùng núi Bắc Bộ

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cũng cho biết, bắt đầu từ 1/10, EU sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon, đây là chính sách đặc thù, mặc dù giai đoạn đầu chỉ áp dụng với nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và Điện. Tuy nhiên, đến năm 2025, nhóm hàng hóa này sẽ được mở rộng hơn nữa.

Do vậy, với các doanh nghiệp, để phát triển sản phẩm, mở rộng các hàng hóa xuất khẩu, cần đảm bảo về các cam kết quốc tế về môi trường, đòi hỏi chúng ta cần đảm bảo được quy trình từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Mà hiện nay rất khó một doanh nghiệp có thể đảm bảo sản xuất được như vậy.

Tuy nhiên, lợi thế của vùng trung du miền núi Bắc Bộ là các sản phẩm nông nghiệp, nông sản, trong đó phát thải cacbon hoàn toàn có thể cung cấp ngược lại, trung hòa với phát thải Hydro. Do đó, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để trung hòa các cam kết môi trường, nâng cao giá trị.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định và bền vững, TS. Nguyễn Văn Hội đề xuất, phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn.

Đặc biệt, ưu tiên phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ tại các khu vực đã có tích tụ công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm hoặc có lợi thế nổi bật về vùng nguyên liệu, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, lao động, khoa học công nghệ, có khả năng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành chế biến nông sản, thực phẩm của vùng.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển chế biến thực phẩm tại khu vực các tỉnh Sơn La, Phú Thọ; chế biến nông sản tại khu vực các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ. Từ đó hình thành động lực tăng trưởng, tác động lan tỏa, mở rộng phạm vi phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ ra các khu vực xung quanh mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Cùng với đó, trong công nghiệp chế biến thực phẩm, gắn kết chặt chẽ từ khâu giống, nuôi trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch đến sản xuất, chế biến, thương mại. Khuyến khích các cơ sở sản xuất thực phẩm tham gia các chương trình sản xuất sạch hơn; sản phẩm an toàn, sạch, xanh và hữu cơ; hệ thống quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế theo VietGap, GlobalGap, hữu cơ...

Tin, ảnh: K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực