Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh niên.
Giá trị xuất khẩu hàng năm của thanh long khoảng 40 triệu USD, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở địa phương. Tỉnh Long An đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long bền vững, theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 2.000 ha thanh long chất lượng đáp ứng nhu cầu của các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…; trong đó, huyện Châu Thành được tỉnh chọn là vùng trọng điểm phát triển cây thanh long có giá trị kinh tế cao.
Huyện Châu Thành hiện có hơn 7.500 ha cây thanh long chiếm hơn 80% diện tích cây thanh long của tỉnh Long An. Sản lượng thanh long của huyện Châu Thành mỗi năm trên 140.000 tấn; trong đó, phần lớn diện tích thanh long nông dân đã thực hiện biện pháp khoa học kỹ thuật là xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Anh Trương Minh Dũng, xã viên Hợp tác xã thanh long Tầm Vu huyện Châu Thành là một người gắn bó với Hợp tác xã từ những ngày đầu thành lập, cho biết, hiện nay anh có 8.000 m2 đất vườn, trồng hơn 1.000 gốc thanh long, nhờ chăm sóc chu đáo, vườn thanh long phát triển rất tốt, thanh long chính vụ hay xông đèn đều đạt năng suất rất cao, mỗi năm sau khi trừ chi phí sản xuất, anh có nguồn thu nhập 300 triệu đồng. Nhờ vào làm trong Hợp tác xã, anh có điều kiện tiếp thu khoa học kỹ thuật, trồng thanh long đạt tiêu chuẩn, có chất lượng tốt, được hợp tác xã thu mua và xuất sang thị trường Nhật.
Anh Trương Quang An, chủ nhiệm hợp tác xã thanh long Tầm Vu, cho biết, hợp tác xã đặc biệt quan tâm việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với bà con xã viên, trồng thanh long đúng qui trình kỹ thuật, sản xuất an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn Việt GAP, chất lượng và hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Hợp tác xã và xã viên luôn đoàn kết, nhất trí chăm lo làm ăn để cùng vươn lên làm giàu. Hợp tác xã vừa xây dựng trụ sở mới khang trang, có sân, xưởng đóng gói bao bì, có nhà kho. Bà con xã viên hết sức phấn khởi và tin tưởng vào tính hiệu quả trong cung cách làm ăn mới.
Hiện nay, huyện Châu Thành đã thành lập được 5 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long; trong đó hợp tác xã sản xuất thanh long Tầm Vu là một điển hình trong cung cách làm ăn mới, bởi hiệu quả mang lại như mong muốn của bà con xã viên. Thành lập được 3 năm, đến nay, hợp tác xã thanh long Tầm Vu có 70 xã viên, có diện tích trực tiếp sản xuất hơn 60 ha. Nhờ làm ăn hiệu quả, đời sống của xã viên khá và giàu lên theo sự phát triển đi lên của Hợp tác xã.
Cây thanh long là một trong các loại cây đặc sản thế mạnh của Long An nói chung và vùng Châu Thành nói riêng nên được sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành, các cấp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất thanh long. Nông dân nơi này tích cực tham gia thực hiện mô hình sản xuất thanh long theo VietGAP thực hiện tốt việc vệ sinh vườn, ứng dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, thuốc sinh học, dự báo để phòng trừ sâu bệnh và áp dụng kỹ thuật canh tác theo quy trình sản xuất VietGAP.
Ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết, tỉnh đang thực hiện đề án Xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha, tỉnh Long An giai đoạn 2017-2020.
Mục tiêu của đề án là phát triển vùng sản xuất thanh long tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đưa vốn, kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng thanh long góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của cây thanh long, là cơ sở vững chắc để tiến tới phát triển thương hiệu sản phẩm thanh long của tỉnh và nhân rộng ứng dụng các giải pháp tổ chức quản lý sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trên phạm vi toàn huyện Châu Thành.
Ngành nông nghiệp tỉnh Long An hiện đang tập trung chỉ đạo ngành triển khai tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của người nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ…
Ông Nguyễn Văn Thình - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành( tỉnh Long An), cho biết, thời gian tới, huyện tăng cường chỉ đạo các xã đẩy mạnh liên kết sản xuất, hình thành tổ hợp tác và các hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào cây thanh long, nhất là thanh long xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu, nâng cao giá trị trái thanh long Việt Nam. Ngoài ra, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất thanh long, hình thành các cơ sở bảo quản, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thanh long".
Hiện nay, huyện phối hợp Sở Công Thương tỉnh Long An đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá sản phẩm tại một số nước. Thực hiện Đề án của tỉnh, huyện tích cực triển khai 2.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, giao cho các xã tìm địa điểm thích hợp để làm thí điểm, sau đó nhân rộng toàn huyện.
Đặc biệt, huy động sự liên kết 4 nhà trong sản xuất-tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định và tính bền vững trong sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh và chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Võ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch UBND dân huyện Châu Thành khẳng định, huyện xác định rõ việc xây dựng mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ nâng cao sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cũng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Chính quyền huyện đang nỗ lực tìm kiếm và xúc tiến đầu tư cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước chế biến các sản phẩm từ thanh long. Để hoàn thành kế hoạch xây dựng 2.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, năm 2017, huyện sẽ tăng gấp đôi kinh phí cho ngành nông nghiệp để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thanh long.
Ngành nông nghiệp tỉnh Long An đang giúp nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất hay, mới và có hiệu quả cao, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP để sản xuất thanh long sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, như: chọn lựa khu vực sản xuất, tránh xa nguồn đất và nước bị ô nhiễm, xử lý đất, trồng trụ bê-tông, mật độ trồng, xử lý hom giống, cách trồng, tỉa cành, cách tưới nước giữ ẩm cho cây thanh long, cách bón phân, phòng trị các loại sâu bệnh thường gặp trên cây và trái thanh long, phương pháp chiếu đèn cho thanh long, thu họach và bảo quản sản phẩm. Bằng nhiều biện pháp canh tác đúng qui trình và khoa học, đảm bảo trái thanh long đạt tiêu chuẩn về chất lượng, không nhiễm khuẩn, không có dư lượng thuốc trừ sâu bệnh và các hóa chất độc hại khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu thụ.../.