Long An: Tạo mọi điều kiện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ hai, 09/10/2023 00:26
(ĐCSVN) – Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Long An, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chương trình đột phá. Chương trình nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
 Nhiều mô hình của nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (Ảnh: An Nhiên)

 

Báo cáo từ Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Long An: Đến nay, toàn tỉnh có gần 52.000/60.000ha lúa ƯDCNC, đạt trên 86% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Cây rau trên 1.800/2.000ha, đạt 92% kế hoạch; diện tích thanh long ƯDCNC trên 4.000/6.000ha, đạt gần 68% kế hoạch.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, việc thực hiện chương trình đột phá nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong thời gian thực hiện chương trình, nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về yêu cầu cần phải ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản ngày càng rõ nét hơn và khẳng định tính đúng đắn của chương trình trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện triển khai chỉ dẫn địa lý “Châu Thành Long An” cho thanh long; Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Ban hành Kế hoạch xây dựng phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Quy định chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn.

Toàn tỉnh đã có 271 lượt mã số vùng trồng (thanh long, chanh, chuối, dưa hấu…) với tổng diện tích 13.475,3 ha, thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Úc, New Zeland, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản; và 158 mã số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu.

Xây dựng quảng bá được 28 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản; Hỗ trợ 2.061.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR với 17 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; Hỗ trợ 111 lượt doanh nghiệp, HTX, THT, cơ sở sản xuất sản phẩm nông sản đã và đang thực hiện chứng nhận VietGAP, với diện tích trên 2.868ha. 

Ông Nguyễn Văn Cò (ấp Tà Nu, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) chú trọng đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Ông Cò chia sẻ: “Gia đình tôi có 6ha lúa. Cánh đồng nằm trong mô hình 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm của Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A). Nhờ ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, năng suất lúa khá cao, lợi nhuận mang về hàng năm khoảng 70 triệu đồng”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, hàng năm, huyện sản xuất trên 1.700ha rau màu, cung cấp ra thị trường khoảng 140.000 tấn rau. Thực hiện chương trình đột phá của NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và chương trình đột phá của NQ Đại hội XII Đảng bộ huyện, ngành Nông nghiệp huyện tập trung nhiều giải pháp ƯDCNC trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ; vận động nông dân tham gia thực hiện chương trình; hướng dẫn, chuyển giao khoa học, công nghệ; tập huấn; hỗ trợ vốn;... Nhờ đó, hiện tại, huyện có trên 1.000ha rau ƯDCNC.

 Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Gia đầu tư 7 máy bay phun thuốc nhằm phục vụ thành viên và làm dịch vụ (Ảnh: Ngọc Tùng)

Đối với chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh Long An xác định thời gian tới tiếp tục tuyên truyền, giúp nông dân từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung cho Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh gắn với đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thực hiện hiệu quả chương trình.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư bằng việc tạo mọi điều kiện thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các hoạt động kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,...

 

 

 

An Nhiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực