Ảnh minh họa. Nguồn: VOV
Theo nhận định của các chuyên gia có mặt tại hội thảo, việc rà soát tổng thể pháp luật Việt Nam với các cam kết WTO, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) về mở cửa thị trường dịch vụ là rất cần thiết, nhằm tìm ra những giải pháp thích hợp để vừa tuân thủ cam kết quốc tế, vừa bảo hộ hợp pháp và hợp lý các nhà cung cấp dịch vụ nội địa.
Thị trường các dịch vụ của Việt Nam, vốn được cho là tương đối “đóng” với các nhà đầu tư nước ngoài theo các cam kết WTO. Tuy nhiên, sau các cam kết theo TPP và EVFTA, thì lĩnh vực này đã được mở rộng hơn đáng kể, thậm chí là mở hoàn toàn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn chưa từng có bất kỳ đánh giá tổng thể nào về hiện trạng các quy định về mở cửa các thị trường dịch vụ của Việt Nam; cũng như chưa có sự thống nhất về cách thức áp dụng pháp luật nội địa và cam kết trong những trường hợp có sự khác biệt.
Tại hội thảo, Luật sư Phạm Mạnh Dũng, Công ty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers nhận định, tiến trình rà soát việc mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ sẽ giúp ích rất nhiều cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý có được cái nhìn đồng bộ hơn về chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, những cơ hội và thách thức về đầu tư, tạo cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Tổng hợp kết quả rà soát, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc, Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết, trong số 98 cam kết với WTO, TPP và EVFTA được tiến hành rà soát thì có 3 nhóm dịch vụ mà không rõ Việt Nam đã mở phù hợp với các cam kết quốc tế hay chưa. Ngoài ra, có gần 85 nhóm dịch vụ đã tương thích, tức là đã mở bằng hoặc hơn so với mức độ cam kết quốc tế và khoảng 14 nhóm dịch vụ chưa tương thích, tức là đã mở dưới mức cam kết. Bên cạnh đó, còn có 22 nhóm dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và 32 nhóm dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không quy định riêng về điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, đối với những trường hợp chưa tương thích, nhóm rà soát khuyến nghị, những cam kết nào chưa tương thích với WTO thì pháp luật Việt Nam cần sửa đổi để phù hợp và để mở cao hơn, đồng thời bổ sung danh mục cam kết áp dụng trực tiếp; những cam kết nào chưa tương thích với EVFTA hoặc TPP thì cần ban hành văn bản thực thi riêng và sửa đổi pháp luật Việt Nam cho phù hợp.
Bà Trang cũng nhấn mạnh, với nhóm pháp luật Việt Nam đã tương thích với các cam kết WTO, TPP và EVFTA thì cũng cần phải đảm bảo tính minh bạch, để làm sao việc mở cửa thị trường phải hợp lý, tránh sự thiên vị. Giải pháp cho vấn đề này là sớm ban hành Danh mục cam kết để áp dụng trực tiếp; các văn bản thực thi cam kết TPP và EVFTA, cũng như các quy định trực tiếp theo pháp luật Việt Nam; đồng thời bổ sung quy định về quy trình áp dụng điều kiện đầu tư trong trường hợp không có cam kết hoặc pháp luật Việt Nam không có quy định. Có như vậy, mới giúp doanh nghiệp Việt Nam thực thi pháp luật một cách dễ dàng và thuận lợi.
Thay mặt các doanh nghiệp thành viên, ông Nguyễn Tương, Trưởng đại diện, Hiệp hội Logistics Hà Nội cho rằng, các cam kết về vận tải của Việt Nam trong WTO là chưa rõ ràng và đã gây hiểu nhầm trong quá trình thực hiện. Do đó, cần có sự hiểu đúng các cam kết bằng cách liệt kê các cam kết trong WTO, TPP hay EVFTA về vận tải biển để doanh nghiệp nắm rõ và thực thi cho đúng./.