Môi trường kinh doanh phải dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện

Thứ ba, 12/01/2021 16:58
(ĐCSVN) - Cần tiếp tục cải cách mạnh hơn, với tinh thần quyết liệt để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện cũng như sớm đứng trong nhóm quốc gia có chất lượng môi trường kinh doanh tốt nhất khu vực ASEAN
 Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: M.P)

Ngày 12/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã nhấn mạnh, trong năm qua, chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp được thiết kế đi theo hai “dòng chảy” rất mạnh mẽ.

Cụ thể, “dòng chảy” rất nhanh, rất kịp thời của các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua các khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó là “dòng chảy” bền bỉ, mạnh mẽ của các chính sách cải cách thể thế, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả quốc gia.

Ông Vũ Tiến Lộc đặc biệt đánh giá cao Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngay sau đó để gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng chịu ảnh hưởng và/hoặc thiệt hại do COVID -19. Bộ Tài chính cũng đã đồng loạt ban hành hơn 20 thông tư giảm các loại phí của các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp.

“Động thái giảm phí, giãn thời điểm đóng thuế vào thời điểm doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, gần như kiệt quệ bởi dịch bệnh đã cho thấy sự đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng và chính sách pháp luật trở thành bệ đỡ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ.

Ngoài ra, trong năm 2020, theo ông Lộc, "dòng chảy" pháp luật kinh doanh có những điểm sáng về chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Trong đó, hoạt động hoàn thiện và sửa đổi chính sách cũng đánh dấu những nỗ lực đột phá, sẵn sàng thay đổi những quy định tưởng như rất khó thay đổi để thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, Chủ tịch VCCI cho rằng, đâu đó vẫn còn những tư duy cũ kĩ của cách làm chính sách trong các văn bản được soạn thảo và ban hành trong năm nay.

Cụ thể, các quy định có tính chất gia tăng về chi phí tuân thủ của doanh nghiệp một cách bất hợp lý mà điển hình là dự kiến bổ sung giấy phép con cho người lái xe trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; gia tăng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá…

Ngoài ra, dù đã có nhiều cải cách nhưng các quy định về gia nhập thị trường vẫn còn khá nhiều quy định về điều kiện kinh doanh còn bất cập, thủ tục hành chính phức tạp. Vẫn còn hiện tượng chồng chéo về thẩm quyền quản lý trong một số hoạt động kinh doanh.

Trình bày Báo cáo "dòng chảy" pháp luật kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, theo thống kế chưa đầy đủ của VCCI, năm 2020, số luật, nghị định, quyết định được ban hành không có biến động lớn, đặc biệt là số lượng thông tư giảm mạnh.

Trong đó, các quy định về khởi sự kinh doanh là điểm sáng của chính sách như đã giúp liên thông thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp miễn lệ phí môn bài trong năm đầu.

“Nhìn chung, pháp luật vệ gia nhập thị trường khá hoàn thiện, các mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều, nhưng vẫn còn một vài quy định bất hợp lý về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính”, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.

 Tuy nhiên , mặc dù chất lượng cải cách, xây dựng văn bản pháp luật để hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đã đạt kết quả khá tích cực nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, đó là tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng, gây cách hiểu khác nhau trong các quy định pháp luật; có tình trạng nhiều quy định pháp luật được ban hành rất bất hợp lý và ẩn chứa nhiều vướng mắc gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó vẫn còn tình trạng kiểm tra, thanh tra cũng diễn ra phức tạp, gây khó cho doanh nghiệp trong khi còn không ít trường hợp cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến, sau đó có văn bản giải đáp nhưng không giải quyết tận gốc vấn đề...

Chính vì vậy, trong thời gian tới đại diện VCCI cho rằng cần cần tiếp tục cải cách mạnh hơn, với tinh thần quyết liệt để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện cũng như sớm đứng trong nhóm quốc gia có chất lượng môi trường kinh doanh tốt nhất khu vực ASEAN. Đặc biệt,  cần xóa bỏ tư duy cũ, có cách tiếp cận công tâm và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, theo thông lệ quốc tế để đưa ra những quy định thông thoáng, đúng đắn, từ đó phục vụ doanh nghiệp một cách đích thực và hiệu quả hơn./.

 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực