Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề ''Bình Thuận - Hội tụ xanh''

Thứ tư, 23/11/2022 15:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, năm Du lịch quốc gia 2023 gồm 204 sự kiện, hoạt động. Trong đó có 13 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức.

Ngày 23/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” có 204 sự kiện, hoạt động; trong đó, có 13 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức. Tỉnh Bình Thuận chủ trì tổ chức chuỗi 31 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn có quy mô liên tỉnh, quốc gia và quốc tế diễn ra xuyên suốt năm 2023. Ngoài ra, 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức 164 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023.

Ban Tổ chức thông tin về Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. (Ảnh: H.L)

Điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia 2023 là Lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh" gắn với Lễ hội đếm ngược (Countdown) chào năm mới 2023, được tổ chức vào tối 31/12/2022 tại đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” dự kiến tổ chức vào tháng 3/2023 tại thành phố Phan Thiết. Lễ trao giải chung kết cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045” dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023; lễ bế mạc và chào đón năm mới 2024 dự kiến tổ chức vào ngày 30/12/2023 tại thành phố Phan Thiết.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết, sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, năm 2022, Bình Thuận ước đón trên 5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 12.800 tỷ đồng. Hiện nay, Bình Thuận có gần 900 cơ sở lưu trú với trên 17.000 phòng, trong đó có 45 khách sạn, resort từ 3 đến 5 sao với gần 5.000 phòng; 13 đơn vị lữ hành, trong đó có 8 lữ hành quốc tế… Để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2023, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với tỉnh Bình Thuận, các Bộ, ban, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ. Nhờ đó, công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2023 đã sẵn sàng.

Cũng theo ông Nguyễn Minh, Năm Du lịch quốc gia 2023 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và quốc tế. Sự kiện giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của con người, đất nước Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; góp phần tích cực vào sự phục hồi các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; thúc đẩy sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, với lợi thế đường bờ biển dài 192 km, có đảo Phú Quý, khu du lịch quốc gia Mũi Né, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, môi trường tự nhiên thuận lợi, Bình Thuận hội tụ đủ yếu tố để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát, du lịch mạo hiểm, thám hiểm hệ động, thực vật dưới biển, du lịch văn hóa, tín ngưỡng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa và các lễ hội truyền thống đặc sắc như Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Katê, lễ hội Dinh Thầy Thím, lễ hội rước đèn Trung thu...

Bình Thuận cũng là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam như Nha Trang, Đà Lạt, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trong quá trình phát triển du lịch, Bình Thuận đã tận dụng những đặc trưng khí hậu của địa phương như “nắng, gió, cát trắng” thành những lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nghỉ dưỡng, du lịch golf…

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng bày tỏ kỳ vọng, với Năm Du lịch quốc gia 2023, những giá trị, tiềm năng của du lịch Bình Thuận nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ được hội tụ, phát huy và quảng bá hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2019, Bình Thuận đón trên 6,4 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 15.200 tỷ đồng; tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP của tỉnh ước đạt từ 10% - 12%. Sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh, năm 2022, Bình Thuận ước đón trên 5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 12.800 tỷ đồng./.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực