Ngành Nông nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt để tiếp tục gặt hái thành công

Thứ sáu, 04/02/2022 23:21
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của đại dịch COVID-19 gây đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và xáo trộn các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng Ngành NN&PTNT vẫn về đích với những con số ngoạn mục. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để ngành tiếp tục phấn đấu gặt hái được những thành công mới trong năm 2022.
 Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số kỷ lục trong năm 2021 với 48,6 tỷ USD. (Ảnh minh hoạ: B.T)

Về đích ngoạn mục

Trong năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai thực hiện kế hoạch năm trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức. Điều này có thể thấy rõ khi dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Dù vậy, không chịu lùi bước trước khó khăn, trong năm 2021, toàn Ngành với quyết tâm cao, nỗ lực vươn lên đã đề ra các giải pháp sáng tạo để đạt các mục tiêu phát triển. Một năm nhiều khó khăn, thử thách, có những thời điểm tưởng chừng rơi vào sự ”bế tắc”, tuy nhiên, với sự phấn đấu không ngừng, đến hết năm 2021, toàn ngành đã về đích với nhiều kết quả ”ngoạn mục”.

Trong đó, giá trị gia tăng toàn ngành (VA) năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%. Đáng chú ý,  kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu của Chính phủ đề ra với 42 tỷ USD cho năm 2021. Đây là những kết quả xứng đáng được ghi nhận, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đã làm xáo trộn mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của Ngành.

Cụ thể, trong năm 2021, Bộ NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nhờ vậy, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.

Trên các lĩnh vực sản xuất tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Điều này có thể thấy ở lĩnh vực trồng trọt, toàn Ngành tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và do thời tiết không thuận lợi sang trồng rau, quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tăng cường sử dụng giống chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” không chỉ trên lúa mà còn trên các đối tượng cây rau màu khác; đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương.

Năm 2021, sản lượng lúa đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020; mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 39 nghìn ha nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 77% để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 499,3 USD/tấn năm 2020 lên trên 526,9 USD/tấn năm 2021.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất. Chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng. Nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ hình thành và đang phổ biến, nhân rộng. Ngành NN&PTNT và các địa phương đã chỉ đạo gia tăng đàn lợn, gia súc ăn cỏ, ổn định đàn gia cầm và đáp ứng nguồn cung con giống cho sản xuất để bảo đảm nhu cầu thực phẩm trong nước, đồng thời, theo dõi sát và thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên vật nuôi. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển. Trong đó, đàn lợn ước đạt khoảng 28 triệu con, tăng 7,1%; đàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%; đàn bò khoảng 6,5 triệu con (riêng đàn bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%). Sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%; sản lượng sữa tươi ước gần 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; sản lượng trứng trên 17,5 tỷ quả (tăng 5,1%),…

Trên lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn, tăng 0,9%; nuôi trồng 4,8 triệu tấn, tăng gần 1,1%. Với lĩnh vực Lâm nghiệp, công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng; tỷ lệ giống được kiểm soát đạt 85 - 90%. Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 278 nghìn ha, tăng 2,7% so với năm 2020 và 120 triệu cây phân tán; sản lượng gỗ khai thác khoảng 32 triệu m3,...

Đáng chú ý, trong năm 2021, toàn Ngành NN&PTNT đã tập trung theo dõi sát sao diễn biến giá cả và cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nông sản tại các địa phương, đặc biệt tại những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19. Chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai “Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản - san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch COVID-19”; đặc biệt thành lập 2 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 khu vực phía Nam và phía Bắc. Hỗ trợ kết nối đưa nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị, như: Big C, AEON, Hapro, Vinmart; đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…

Nổi bật có thể thấy, trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản của ngành. Tuy nhiên, với việc chủ động các phương án tháo gỡ khó khăn, xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn Ngành đạt kết quả cao kỷ lục với 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (thêm 1 mặt hàng là Thức ăn gia súc và nguyên liệu), trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành 6,44 tỷ USD.

Ngoài ra, trên lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới, tính đến hết năm 2021, cả nước đã có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng 5,8% so với năm 2020), bình quân đạt 17 tiêu chí/xã (tăng 0,6 tiêu chí so với năm 2020). Đã có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 40 đơn vị so với năm 2020) được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Năm 2021 có thêm 3 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Nhìn nhận về những kết quả đạt được trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, toàn Ngành đã vượt qua những nỗi đắn đo, mạnh mẽ tìm kiếm những điều mới hơn, mô hình mới hơn, cách tiếp cận mới hơn. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang“tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy hỗ trợ, kiến tạo”. Toàn Ngành đã huy động nguồn lực, kết nối các sáng kiến từ xã hội, qua nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hướng đến kích hoạt cơ chế hợp tác công - tư, xã hội hoá để bổ sung nguồn lực phát triển. Thành tích của Ngành là kết quả của sự đồng hành của cả xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và hàng chục triệu nông dân.

Ngành NN&PTNT phấn đấu thích ứng an toàn, linh hoạt để tiếp tục gặt hái thành công trong năm 2022. (Ảnh: Trần Cao)

Thích ứng an toàn, linh hoạt để tiếp tục gặt hái thành công

Bước sang năm 2022, trong bối cảnh mới với nhiều biến động, khó lường, toàn ngành NN&PTNT sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và yêu cầu mới. Đó là khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học tiếp tục phát triển mạnh mẽ cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhiều thay đổi trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; tác động mạnh mẽ đến xu hướng và tâm lý tiêu dùng lương thực, thực phẩm; người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến thực phẩm sạch, an toàn và trở thành “Người tiêu dùng xanh”. Biến đổi khí hậu tác động ngày càng mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, nông thôn, đe dọa làm giảm năng suất cây trồng, gia tăng biến động trên thị trường nông sản quốc tế.

Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của biến chủng mới, có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và có thể thấp hơn năm 2021. Rủi ro tiếp tục gia tăng; tác động trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ nông lâm thủy sản của nước ta, yêu cầu toàn ngành theo dõi sát tình hình để có giải pháp điều hành linh động, khoa học, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trước bối cảnh trên, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2022, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Năm 2022, toàn ngành phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 2,8 - 3,0%;  tỷ lệ che phủ rừng trên 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73% ; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 50 tỷ USD,…

Nhằm đạt được các mục tiêu, ngành NN&PTNT sẽ tập trung thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành, duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.

Đáng chú ý, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với trạng thái bình thường mới và điều kiện thời tiết, dịch bệnh.

Trên lĩnh vực trồng trọt, ngành NN&PTNT sẽ thực hiện Chiến lược phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đặt sản xuất trồng trọt trong mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là chuỗi trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng hạn chế chất thải, dùng chất thải của tiểu ngành này thành đầu vào của tiểu ngành kia; qua đó giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Với chăn nuôi, phấn đấu sản lượng thịt hơi 6,9 triệu tấn; sản lượng trứng 18,3 tỷ quả; sản lượng sữa trên 1,2 triệu tấn,...Ổn định phát triển chăn nuôi lợn sau tác động của dịch tả lợn châu Phi; thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, gia súc ăn cỏ nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu một số sản phẩm tiềm năng. Phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức hữu cơ truyền thống; mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP và tương đương; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng,..

Đặc biệt, toàn Ngành sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi, trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý. Xây dựng phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để cân đối cung - cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Đối với thị trường xuất khẩu, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực. Đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao. Kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách thị trường xuất khẩu,...

Nhấn mạnh những nhiệm vụ quan trọng ngành NN&PTNT cần triển khai trong năm 2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay: “Chúng ta phải chuẩn hoá vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng từ hợp tác xã đến doanh nghiệp, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản. Phải có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn. Phải tăng tỷ trọng nông sản được sơ chế, bảo quản, chế biến để vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro thị trường khi chỉ bán nguyên liệu thô. Chúng ta phải xác định đúng vai trò của Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp trong dẫn dắt thị trường và tạo dựng chuỗi giá trị trong từng chuỗi ngành hàng. Hơn hết, tiềm năng còn rất lớn của thị trường nội địa với dân số đang tiến tới 100 triệu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính hệ thống, chính quy, chuyên nghiệp cho ngành Nông nghiệp”.

Bên cạnh đó, với “cơn sốt” biến động giá nguyên liệu, vật tư đầu vào ngành Nông nghiệp từ trồng trọt cho đến chăn nuôi, thủy sản, lâm sản, gây nhiều xáo trộn, bấp bênh, do phần lớn còn lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài, Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành cần phải quan tâm đến chi phí sản xuất của người nông dân và giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng, bằng cách tiến đến sử dụng một phần nguyên liệu nội địa, nguyên liệu thay thế phù hợp, hiệu quả. Trong đó, các viện nghiên cứu khoa học cùng với các doanh nghiệp cần tham gia vào nhiệm vụ này. Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị, mọi ngành hàng phải được tổ chức lại và quản lý theo chuẩn mực quốc tế.

Đóng góp ý kiến cho sự phát triển của ngành NN&PTNT trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần có các kế hoạch về thị trường trước khi triển khai sản xuất. Nếu chúng ta sản xuất “mù mờ” thì sẽ rất khó khăn.

Cùng với đó, ngành NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành để phát triển công nghiệp phục vụ cho ngành nông nghiệp, nhất là ở các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến. Nếu làm tốt khâu sơ chế, chế biến sẽ góp phần mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Ngoài ra, cần từng bước phát triển thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, đồng thời phát triển thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, cần tạo điều kiện về mặt tích tụ đất đai để thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa,…

Hy vọng, với những thách thức, nhiệm vụ mới trong năm 2022 sẽ không những không làm “chùn bước” sự phát triển của ngành NN&PTNT mà còn là động lực giúp Ngành ngày càng “tỏa sáng”, tiếp tục gặt hái được thêm nhiều thành công mới, xứng đáng vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế./.

Bùi Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực