* Tại Hà Nội, hoạt động du lịch tại Thủ đô đã khởi sắc trở lại trên cơ sở thực hiện nghiêm phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo đó, từ tháng 10, các dịch vụ du lịch đã mở cửa hoạt động đón khách trong địa bàn thành phố. Tháng 11, áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo giai đoạn 3, dựa theo đánh giá tình hình thực tế. Các đơn vị du lịch đón khách trong Hà Nội và các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trong tháng 12/2021, du lịch Hà Nội sẽ áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo trạng thái bình thường mới ở giai đoạn 4.
Ngành du lịch Hà Nội cũng triển khai xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch an toàn theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch tại Thành phố. Tập trung hỗ trợ nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề; hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành đăng ký xây dựng các tour du lịch, caravan khép kín, ngắn ngày đến các điểm du lịch xanh tại Thành phố.
|
Các địa phương đã lên kế hoạch khôi phục thị trường du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. (Ảnh minh họa: HT) |
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong quý IV/2021, Sở Du lịch dự kiến sẽ tổ chức chuỗi chương trình hoạt động, sự kiện du lịch, như Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2021 (dự kiến tổ chức vào tháng 12, tại chung quanh hồ Hoàn Kiếm), xây dựng Đề án chuyển đổi số trong ngành du lịch, tọa đàm nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch tại một số quận, huyện, thị xã (dự kiến tổ chức vào tháng 11 và 12), triển khai một số lớp bồi dưỡng về du lịch cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch làng nghề, các lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, thúc đẩy hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch tiếp cận nguồn nhân lực du lịch.
* Với mục tiêu chuẩn bị tái khởi động, phục hồi du lịch, thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, ngay từ những ngày đầu tháng 10, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình đã phối hợp với Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch (Sở Du lịch) tổ chức chương trình khảo sát các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các tiêu chí an toàn để lựa chọn đề xuất đón khách nội địa giai đoạn 1 trong quý 4/2021. Đoàn đã trao đổi các thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19, số lao động đã tiêm, chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19; chuẩn bị cơ sở vật chất, số lượng lao động dự kiến khi doanh nghiệp sẵn sàng đón khách trở lại.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, chủ trương của tỉnh Ninh Bình về việc mở cửa các cơ sở lưu trú để đón khách nội tỉnh trở lại cũng kéo theo nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát nếu du khách và các cơ sở kinh doanh lưu trú lơ là trong công tác kiểm soát dịch. Bởi vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch trên dịa bàn tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả nhằm thu hút du khách nội tỉnh.
Các khách sạn, nhà nghỉ lưu trú tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tích cực đăng ký, thực hiện tự đánh giá an toàn COVID-19 theo "Bảng đánh giá an toàn COVID-19 tại cơ sở lưu trú du lịch" có trong hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia. Sau khi đăng ký thành công, các cơ sở lưu trú du lịch có thể giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 thông qua ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn."
Mã QR cũng được công bố tại sảnh đón tiếp hoặc khu vực dễ quan sát để khách du lịch có thể kiểm tra mức độ an toàn trước khi sử dụng dịch vụ. Đến nay, 100% số cơ sở lưu trú du lịch tại địa phương đã chủ động đăng ký, tự đánh giá và kết nối an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, các cơ sở này còn thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng, tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho khách du lịch. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch của các địa phương trong tỉnh.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh khẳng định phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, bên cạnh việc quản lý môi trường du lịch, đảm bảo văn minh, văn hóa, an ninh trật tự tại các các cơ sở lưu trú, tỉnh Ninh Bình sẽ đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đồng thời, cơ quan chức năng các cấp cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch trong lĩnh vực du lịch. Qua đó góp phần chung tay cùng cộng đồng ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19, tạo điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của du lịch địa phương.
* Tại Quảng Ninh, từ 1/11, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được đón khách ngoại tỉnh với điều kiện các cơ sở này đạt chuẩn an toàn về phòng, chống dịch và chỉ được đón khách từ vùng 1 và 2 (vùng xanh, vùng vàng).
Trước mắt, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, những du khách vào tỉnh Quảng Ninh phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Đối với các khách du lịch chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, các đơn vị đón khách phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh hoặc PCR.
Ngày 27/10, Quảng Ninh bắt đầu đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Theo đó, có 24 nội dung cơ bản, thiết yếu mà các cơ sở dịch vụ du lịch phải đáp ứng đầy đủ mới đảm bảo an toàn như có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc bệnh tại cơ sở; có tổ, đội, phòng, ban phòng, chống dịch; niêm yết mã QR và bảng thông tin hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; trên 95% người lao động tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19…
Bên cạnh đó, còn có 11 nội dung khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện như phát động phong trào thi đua khen thưởng đối với cá nhân chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch; bố trí dự phòng phương tiện phòng hộ cá nhân. Những cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được phép đón khách nói chung và đón khách ngoại tỉnh nói riêng phải có mức độ an toàn cao, tức là phải thực hiện đầy đủ 24 nội dung cơ bản, thiết yếu và thực hiện một phần hoặc đầy đủ các nội dung khuyến khích. Cơ sở không an toàn là những cơ sở không đạt một trong số 24 nội dung cơ bản, thiết yếu và không được đón khách du lịch ngoại tỉnh.
* Sau một thời gian dài nghỉ phòng chống dịch, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Với phương châm: “Chủ động - thích ứng - linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người lao động du lịch và cộng đồng”, kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới của Đà Nẵng sẽ chia làm 2 giai đoạn được triển khai ngay trong quý IV/2021 và các nhiệm vụ dài hạn thực hiện giai đoạn 2022-2025 như: Xây dựng và triển khai phương án đón khách quốc tế, tổ chức đón khách du lịch nội địa trong tình hình bình thường mới theo từng lộ trình; triển khai các biện pháp, quy trình phòng, chống dịch tại các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cấp, rà soát trang thiết bị, tiện nghi, nghiên cứu sáng tạo và hoàn thiện các dịch vụ...
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, hiện nay việc đón khách nội địa cơ bản đã bắt đầu triển khai, Sở đã hướng dẫn các cơ sở dịch vụ đảm bảo điều kiện hoạt động trở lại theo hướng dẫn Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức đón khách nội địa theo 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi động trở lại các hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố từ tháng 10/2021 (giai đoạn 1) và triển khai phục vụ khách liên vùng từ tháng 11/2021 (giai đoạn 2).
Đối với khách quốc tế, Đà Nẵng sẽ triển khai đón theo phương án và phê duyệt của Chính phủ, hướng dẫn thực hiện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan. Trong đó tập trung 3 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ từ tháng 11/2021 (giai đoạn 1); giai đoạn mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ từ tháng 1/2022 (giai đoạn 2); giai đoạn mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế (giai đoạn 3).
Sở Du lịch thành phố đã đưa các kế hoạch truyền thông du lịch Đà Nẵng trong tình hình mới với 2 thông điệp chính: “Da Nang Now Open - Đà Nẵng đón bạn trở lại” (Giai đoạn 1) và thông điệp “Enjoy Danang - Tận hưởng Đà Nẵng” (Giai đoạn 2).
* Thành phố Hội An (Quảng Nam) sẽ chính thức mở lại các hoạt động hướng dẫn tham quan từ ngày 15/11 để phục vụ nhân dân và du khách. Theo đó, Hội An đã lên kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn du lịch trong tình hình mới, thực hiện đúng các yêu cầu của "Bộ tiêu chí an toàn du lịch" trên địa bàn thành phố, hướng tới mục tiêu Hội An "Du lịch xanh", tổ chức các chương trình tham quan khép kín dành cho du khách quốc tế đáp ứng đủ các yêu cầu về nhập cảnh và cách ly y tế...
Hội An sẽ giảm 50% giá vé tham quan Khu phố cổ và các làng nghề truyền thống; tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, sự kiện, lễ hội hấp dẫn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách; các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, điểm tham quan... cũng tung ra nhiều gói khuyến mãi dành cho du khách trong dịp này. Bên cạnh đó, Hội An cũng đã chuẩn bị kỹ nhiều hoạt động văn hóa du lịch dự kiến diễn ra vào dịp Noel và Tết dương lịch, hướng tới thị trường trong nước, khách nội địa.
* Theo kế hoạch, từ ngày 1/11 đến ngày 31/12/2021, TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh. Thành phố mở các hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương, chủ yếu tại "vùng xanh". Dịch vụ lữ hành tổ chức theo phương thức khách đoàn đối với các chương trình du lịch có điểm đến tại các tỉnh/thành và đối với khách du lịch từ các tỉnh/thành đến TP. Hồ Chí Minh. Người dân ở TP. Hồ Chí Minh có thể đi theo đoàn hoặc tự tổ chức chuyến đi, đến các điểm tham quan trên địa bàn Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh.
Trong giai đoạn này, các hoạt động lưu trú tại các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã kiểm soát được dịch bệnh, sẽ được mở rộng thêm với công suất phục vụ tối đa 70%. Thành phố xem xét mở thêm một số dịch vụ cho cơ sở lưu trú, ăn uống tại chỗ, spa... tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh. Các điểm tham quan thuộc vùng xanh được hoạt động với công suất tối đa 70%, bảo đảm các điều kiện theo Bộ tiêu chí du lịch.
Giai đoạn này phát triển thêm các sản phẩm du lịch cho khách nội địa có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện của Bộ tiêu chí du lịch; khách quốc tế đến Phú Quốc theo chương trình thí điểm của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Các sản phẩm nội vùng cũng sẽ hoạt động phục vụ du khách gồm: Thảo cầm viên Sài Gòn, công viên văn hóa Đầm Sen, công viên văn hóa Suối Tiên; tham quan nội đô bằng xe buýt, buýt hai tầng du lịch…/.