Nhiều địa phương xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nội

Thứ năm, 11/04/2024 20:37
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xúc tiến điểm đến, xây dựng, định vị thị trường, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024, ngày 11/4, nhiều địa phương phối hợp tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch.

*“Một hành trình - Nhiều trải nghiệm” đến Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Ngày 11/4, Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh với chủ đề "Một hành trình-Nhiều trải nghiệm" đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các Sở Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương, cùng đông đảo các công ty dịch vụ, lữ hành.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh khẳng định: Liên kết vùng và liên vùng giữa các điểm đến du lịch địa phương là một xu thế tất yếu nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xúc tiến điểm đến, xây dựng, định vị thị trường, sản phẩm du lịch và dịch vụ mới.

Với tinh thần đó, 4 địa phương Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến, quảng bá Du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh với chủ đề "Một hành trình-Nhiều trải nghiệm" nhằm xây dựng hình ảnh du lịch 4 địa phương thông qua liên kết thành một hành trình, nhiều trải nghiệm; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xây dựng, định vị thị trường, giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2024 đến với các tỉnh thành phía bắc; đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch 4 địa phương gặp gỡ các đối tác du lịch trong cả nước.

Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh với chủ đề "Một hành trình-Nhiều trải nghiệm". 

Theo ông Bùi Văn Mạnh, Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh là khu vực có vị trí địa lý đặc biệt thuộc vùng Bắc và Bắc Trung Bộ, là cầu nối giữa Hà Nội với khu vực Bắc Trung Bộ, với nước bạn Lào, Thái Lan. Vùng liên kết này có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không tương đối phát triển, thuận lợi, kết nối ba tuyến quan trọng trên trục giao thông Bắc - Nam gồm đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Vùng còn có nhiều sân bay, cảng biển như: Sân bay Quốc tế Vinh, Sân bay Thọ Xuân, cảng biển Nghi Sơn, cảng Cửa Lò… Đặc biệt 04 địa phương có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di sản phi vật thể thế giới Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Bên cạnh đó, 4 địa phương cũng được biết đến là một vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, nhiều làn điệu ca múa nhạc vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lại vừa giàu sắc thái riêng như hò Sông Mã, hát sẩm xoan (Thanh Hóa); hát ví giặm, hát phường vải (Nghệ An, Hà Tĩnh), hát Chèo, hát Xẩm (Ninh Bình)… Đó là những lợi thế vô cùng to lớn để ngành công nghiệp không khói của 4 tỉnh được du khách trong nước và quốc tế đón nhận.

Với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh đang trở thành cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước như: Liên kết các tỉnh Bắc miền Trung, liên kết với thị trường Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Liên kết với Tp. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên, là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và cũng là điểm khởi đầu của tuyến du lịch hành lang Đông Tây (theo quốc lộ số 8), các chương trình kết nối các di sản như “Hành trình qua các miền Kinh đô Việt Cổ.

Trong những năm qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa 4 địa phương Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh ngày càng được quan tâm, đặc biệt là sự phối hợp trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như các sản phẩm du lịch mới của 4 địa phương thông qua các hoạt động cụ thể như phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch; Đón đoàn Famtrip các tỉnh đến khảo sát tại 4 tỉnh; Trao đổi thông tin trong công tác quản lý Nhà nước; Hỗ trợ tuyên truyền thông tin quảng bá du lịch; nhiều tour du lịch đã được khai thác và đang tiếp tục xây dựng như Chương trình du lịch khám phá du lịch cộng đồng miền Tây Nghệ An, VQG Pù Mát – kết nối với VQG Bến En Thanh Hóa – Du lịch Ninh Bình – Hà Nội - các tỉnh Tây Bắc. Kết nối du lịch Tây Bắc với Nghệ An qua đường mòn Hồ Chí Minh và đường quốc lộ 1A;…

Tại hội nghị, đại diện 4 địa phương cũng đã giới thiệu về sản phẩm du lịch mới, sự kiện nổi bật và các hoạt động du lịch tiêu biểu của tỉnh trong năm 2024; cùng nhau trao đổi, thảo luận đề xuất những giải pháp thiết thực để du lịch 4 tỉnh liên kết chặt chẽ hơn và phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới.

*Quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang đến du khách Thủ đô

Ngày 11/4, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Du lịch Kiên Giang và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang phối hợp tổ chức hội nghị “Xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội”.

Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích hơn 40.500 km2, tổng dân số gần 18 triệu người (2022), với hơn 386km đường biên giới với Campuchia, có các cửa khẩu quốc tế và quốc gia đã hình thành mối liên kết thuận lợi giữa khu vực với thị trường Campuchia, Thái Lan,… có 4 sân bay, gồm: 2 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa, đặc biệt là sân bay quốc tế Phú Quốc.

Quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang đến du khách Thủ đô.

Đây cũng là khu vực duy nhất của cả nước tiếp giáp Biển Đông và Biển Tây với bờ biển dài khoảng 750 km; hơn 360.000 km² vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo, đặc biệt là đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam; gần tuyến hàng hải và hàng không quốc tế giữa Nam Á, Đông Nam Á, châu Úc và các quần thể khác trong Thái Bình Dương, một vị trí rất quan trọng trong giao lưu quốc tế.

Năm 2024, Kiên Giang với vai trò là Cụm trưởng Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành xây dựng nội dung hợp tác theo hướng thiết thực, sát với điều kiện của từng địa phương; tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch của cụm ngày càng hiệu quả.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh liên kết - hợp tác, tăng cường xúc tiến - quảng bá du lịch, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới sản phẩm du lịch...

Tổng số khách du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023 đạt 44,9 triệu lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế là 1,8 triệu lượt khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu đạt hơn 45 ngàn tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông qua Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội hôm nay, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch của các địa phương, nhất là các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch chất lượng nhằm thu hút khách tham quan du lịch cùng trải nghiệm để các doanh nghiệp gặp gỡ giao lưu, hợp tác kết nối tour tuyến du lịch với các đối tác doanh nghiệp khu vực phía Bắc trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mong muốn tiếp tục tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giới thiệu nhiều sản phẩm, điểm đến hấp dẫn cũng như những tiềm năng về du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa... tới các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và các tỉnh lân cận ở khu vực phía Bắc.

*Phát huy tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thái Nguyên

Chiều 11/4, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Thái Nguyên tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu, quảng bá du lịch tới các đại biểu, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến và các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông tham gia sự kiện.

Doanh nghiệp du lịch Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm đến du khách. 

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 230 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao.

Cùng với đó, Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái; Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, huyện Võ Nhai… Thái Nguyên còn là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc, khí hậu mát mẻ trong lành với những danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá đẹp hoang sơ trên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. “Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo cùng với các giá trị văn hoá đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một hành trình trải nghiệm trọn vẹn với đầy đủ sắc màu về vùng đất và con người Thái Nguyên” – ông Lê Ngọc Linh khẳng định.

Những sản phẩm trà đặc trưng của Thái Nguyên. 

Được biết, năm 2023, tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt trên 2,5 triệu lượt khách, tăng 14,79% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt trên 20.000 lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 2.144,5 tỷ đồng. Tính riêng quý I năm 2024, số lượt khách du lịch đạt trên 1,1 triệu.

Nhằm định hướng phát triển du lịch Thái Nguyên trong thời gian tới, các đại biểu tham dự hội nghị đã chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt là việc kết nối, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm, tạo thương hiệu cho du lịch của tỉnh Thái Nguyên.

Tại Hội nghị, đại diện hiệp hội du lịch 7 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên đã thống nhất ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các nội dung: phát triển nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực