Những tín hiệu tích cực từ miền trung du

Thứ năm, 27/07/2023 10:43
(ĐCSVN) - Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo đà hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; với những tín hiệu tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của địa phương tăng 7,22% so với cùng kỳ năm, đứng thứ 16 cả nước, thứ 3/14 các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,57%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,46%.

Đối với lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, tổng nguồn vốn huy động ước đến hết tháng 6/2023 đạt trên 83.000 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ; tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát, chiếm 0,72% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. 6 tháng đầu năm 2023, các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có tín hiệu tích cực với 478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng kí gần 10.500 tỷ đồng, tăng 2,6% về số doanh nghiệp và tăng 57,7% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 18.500 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Theo ông Phạm Trường Giang, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, ngành Ngân hàng đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương, cụ thể hóa và triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn, nhất là các giải pháp đảm bảo vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh; dư nợ được hỗ trợ lãi suất đến nay đạt 655 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, dư nợ cho vay đạt 306 tỷ đồng (tăng 44 tỷ đồng so năm 2022, với 4.937 khách hàng còn dư nợ). Giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách để hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đạt 2.077 tỷ đồng...

 Tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Phú Thọ tăng 7,22% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 16 cả nước, thứ 3/14 các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. 

Mặc dù hoạt động sản xuất diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ nhiều biến động, song lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng 2,57%.

Lĩnh vực chăn nuôi được duy trì ổn định với tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt trên 55,1 nghìn con, tăng 1,7% so cùng kỳ năm trước; đàn bò 95,2 nghìn con giảm 4,7% so cùng kỳ; đàn lợn ước tính 731,2 nghìn con, tăng 1,2%; tổng đàn gà đạt trên 13,9 triệu con...

Lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 8,1 nghìn ha, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng gỗ khai thác các loại ước đạt 469,1 nghìn m3, tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản, các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện các mô hình thuỷ sản giống mới cho giá trị kinh tế cao. Với khoảng 8,3 nghìn ha nước mặt, sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2023 của Phú Thọ ước đạt 19,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm sút; nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất nhà máy do có thời điểm thiếu điện sản xuất. Song với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp địa phương đạt mức tăng trưởng 10,11% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất khẩu Việt Nam, đơn vị chuyên sản xuất ván ép ở khu Liên Đồng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn cho biết: Ngành gỗ là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp bởi biến động thị trường thế giới khi giá nguyên nhiên liệu tăng, sản lượng tiêu thụ giảm. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2023, Công ty đã lên kế hoạch dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường, đồng thời theo dõi sát dự báo thị trường ngành gỗ năm 2023 để có kế hoạch sản xuất phù hợp nhằm gia tăng đơn hàng, duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Được biết, sản lượng sản xuất gỗ ép của Công ty hiện đạt khoảng 20.000m3 sản phẩm/năm, trong đó 50% sản lượng phục vụ xuất khẩu và 50% tiêu thụ nội địa.

Những nỗ lực đã thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2023 chung toàn ngành Phú Thọ tăng 15,33% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 26,87%; ngành nông nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,32%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 7,12%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,13%.

Trái ngược với công nghiệp là lĩnh vực xuất nhập khẩu, tính chung 6 tháng, xuất khẩu ước đạt 5.050 triệu USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 3.741,8 triệu USD, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Khu Công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ.

Đánh giá về hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn 6 tháng đầu năm, bà Vũ Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ cho biết: Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách song với tinh thần thi đua sôi nổi, chủ động triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khu vực các HTX tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, doanh thu, lợi nhuận có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.

Để chủ động tháo gỡ khó khăn, các HTX huy động vốn góp của các thành viên và các nguồn vốn khác để đầu tư mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh; quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nâng số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, nhiều sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường...

Là một xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Đoan Hùng, thời gian qua Minh Lương đã nỗ lực vượt khó, chủ động thích ứng với tình hình mới. Ông Lương Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Được sự quan tâm và sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp trên, 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục được phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục duy trì và phát triển,  an sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách xã hội đối với người nghèo, gia đình chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân cơ bản ổn định...

Hạ tầng giao thông ở Minh Lương, Đoan Hùng (Phú Thọ) được mở mang phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp phát trên 573 nghìn thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, có 4.788 người nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 3.839 người có quyết định hưởng BHTN hàng tháng; 20.878 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm; 3.879 người chấm dứt hưởng BHTN; tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp là 66,6 tỷ đồng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai đồng bộ, đảm bảo yêu cầu, tiến độ. Địa phương hiện có 4 huyện, 131 xã đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt NTM nâng cao; 1.561 khu dân cư đạt chuẩn NTM, trong đó có 52 khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Về lao động - việc làm, địa phương có hơn 708,2 nghìn người đang làm việc trong các ngành kinh tế, chiếm 47% dân số và chiếm 98,9% trong tổng số lực lượng lao động. Trong đó, lao động đang làm việc trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 182,4 nghìn người, chiếm 25,8%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng 310,2 nghìn người, chiếm 43,8%; lĩnh vực dịch vụ 215,6 nghìn người, chiếm 30,4%. Tình hình việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định, số lao động có việc làm tăng thêm đạt 9.610 người (đạt 58,2% kế hoạch năm, bằng 96,8% so với cùng kỳ).

Trong giáo dục, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 797 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ số trường đạt chuẩn 91,1%. Trong đó, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia 83,9%; trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia 98,6%; trường THCS đạt chuẩn quốc gia 95,5%; trường THPT đạt chuẩn quốc gia 73,5%. Ngành giáo dục - đào tạo đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023 đảm bảo diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo đà hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Với những tín hiệu tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm sẽ là tiền đề quan trọng góp phần hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2023./.

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực