|
Ninh Thuận hướng tới trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
(Ảnh: Báo Ninh Thuận)
|
Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phát triển trong năm 2022 và cả giai đoạn tiếp theo, ngay từ đầu năm 2022, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 29-30% giá trị GRDP toàn tỉnh. Tổng công suất các nhà máy điện đưa vào vận hành khoảng 6.500 MW (điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW). Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có đạt từ 50% trở lên... Định hướng đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt bình quân 18%/năm, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 40%. Thu hút đầu tư và đưa vào vận hành các nhà máy điện để đạt quy mô công suất 11.800 MW, đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Bám sát tinh thần Nghị quyết và các chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương tham mưu Ban cán sự Đảng Uỷ ban Nhân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến để xây dựng kế hoạch trình HĐND tỉnh Ninh Thuận thông qua, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp bảo đảm hiệu quả, khả thi phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, ngành Công thương tỉnh Ninh Thuận đã chủ động phối hợp các ngành, địa phương khác trong tỉnh nắm bắt, thu thập thông tin, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Tham mưu xây dựng dự thảo trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét ban hành Kế hoạch phục hồi ngành công nghiệp chế biến năm 2022. Đồng thời nghiên cứu xây dựng dự thảo Kế hoạch thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.v.v…
Đến nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 3 khu và 2 cụm công nghiệp đã được thành lập, với tổng diện tích trên 1.830 ha. Trong đó, có 3 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, gồm: Khu Công nghiệp Thành Hải, Khu Công nghiệp Phước Nam và Cụm Công nghiệp Tháp Chàm, thu hút 43 dự án, tạo việc làm ổn định trên 3.500 lao động. Hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp của tỉnh ngày càng được hoàn thiện.
Từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận đã quan tâm đến phát triển năng lượng sạch, xem đây là động lực bứt phá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư cũng được tỉnh quan tâm triển khai, đồng thời kiên trì kiến nghị và được Trung ương ban hành nhiều chính sách quy định ưu đãi ở mức cao nhất trên địa bàn.
Ninh Thuận đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nên đã thu hút được các tập đoàn, tổng công ty lớn, có thương hiệu, năng lực, uy tín trong và ngoài nước. Riêng trong lĩnh vực năng lượng, đến cuối nay trên địa bàn tỉnh có 49 dự án với tổng công suất 3.055,6 MW hòa lưới điện Quốc gia mang lại đóng góp lớn cho ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của Ninh Thuận. Trong đó, có 11 dự án điện gió với tổng công suất 666,75MW; 32 dự án điện mặt trời công suất 2.256,85 MW và 6 dự án thủy điện công suất 131,95 MW. Các dự án trên hòa lưới tạo ra sản lượng điện trong năm 2021 đạt 6.285 triệu kWh, tạo ra giá trị gia tăng 3.614 tỷ đồng, tăng 59,8%, đóng góp 6,84% vào tăng trưởng GRDP của tỉnh trong năm 2021.
Cùng với phát triển các khu, cụm công nghiệp, phát triển năng lượng, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Ninh Thuận cũng được khuyến khích và hỗ trợ phát triển; nhiều mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch được xây dựng, góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc như: Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, dệt chiếu cói An Thạnh, đan may tre xã Phước Tiến...; đồng thời, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống có lợi thế của tỉnh như: Nước mắm, rượu nho, thủy sản..., qua đó giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn.
Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phấn đấu tăng giá trị sản xuất với tốc độ đề ra trong thời gian tới với mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm 42-43%, cao nhất trong cơ cấu các ngành kinh tế, đặt mục tiêu đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng tăng bình quân từ 17-18%, trong đó giá trị sản xuất và phân phối điện dự kiến đạt 10.170 tỷ đồng, chiếm 46,8% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và 14,4% giá trị của các ngành kinh tế.
Ngoài ra, Ninh Thuận còn chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng, cảng biển, chế tạo, phụ trợ cho ngành năng lượng để phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước. Cùng với đó, thu hút đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh, trọng tâm là phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo, điện khí. Đẩy mạnh liên kết vùng, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững./.