|
Các đồng chí chủ trì Hội nghị (Ảnh: Dương Chiến) |
Đó là nội dung Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác xây dựng NTM năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023; đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM diễn ra ngày 5/4.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 209 điểm cầu cấp huyện, thị, thành phố và cấp xã với gần 8.000 đại biểu.
Báo cáo tóm tắt kết quả xây dựng NTM, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và đánh giá giữa kỳ thực hiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho biết: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, hệ thống các cơ chế, chính sách, kế hoạch tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, đến nay, đã đạt những kết quả khá tích cực.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 177/181 xã đạt chuẩn NTM, 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu; có thêm huyện Hương Sơn đạt chuẩn NTM, nâng tổng số 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trên địa bàn có 249 sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao và 4 sao. Thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm (năm 2022). Riêng năm 2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh có thêm 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 147 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn.
Các địa phương đã làm được 760 km đường giao thông; 61,5 km rãnh thoát nước; làm mới, nâng cấp 21 nhà văn hóa xã, 13 khu thể thao xã. Các mô hình phá bỏ bờ vùng, bờ thửa cải tạo ruộng đất, dồn điền, đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển mạnh. Năm 2022, có thêm trên 1.960 ha được thực hiện, đưa tổng số diện tích đến nay đạt hơn 9.570,21 ha. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được tập trung thực hiện, nhiều sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2022, các đơn vị được giao đỡ đầu tài trợ xây dựng NTM cũng đã tập trung dồn sức đỡ đầu, tài trợ cho 8 xã, 50 thôn thuộc huyện Hương Khê. Tổng kinh phí các tổ chức, đơn vị cam kết hỗ trợ các xã, thôn là 19,994 tỷ đồng, hiện đã thực hiện 15,082 tỷ đồng.
Về thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, căn cứ theo 10 tiêu chí, đến nay có 2 tiêu chí cơ bản đạt (Quy hoạch và An ninh trật tự xã hội); 3 tiêu chí đến năm 2025 có khả năng hoành thành (Dịch vụ hành chính công; Giáo dục và Y tế; Chỉ đạo, điều phối thực hiện Chương trình xây dựng NTM). 5 tiêu chí khó có khả năng hoàn thành nếu không có sự nỗ lực phấn đấu và nguồn lực hỗ trợ, gồm: cơ sở hạ tầng kết nối và tích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững; văn hóa; môi trường và cảnh quan nông thôn; việc làm - thu nhập - hộ nghèo.
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo rà soát, nâng cấp tất cả các thôn, xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm bảo đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025; tập trung quyết liệt chỉ đạo 4 xã còn lại đạt chuẩn NTM; huyện Lộc Hà, huyện Kỳ Anh đạt chuẩn NTM, thị xã Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; quan tâm cao xây dựng huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo kế hoạch.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM; chia sẻ bài học kinh nghiệm hay và giải pháp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Khu dân cư NTM kiểu mẫu; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong xây dựng xã NTM nâng cao; giải pháp thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM năm 2023.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng phân tích một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM và thực hiện đề án thí điểm tỉnh NTM như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án Thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM chưa được thường xuyên, liên tục; các bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí yêu cầu cao hơn giai đoạn trước nên việc nâng cấp, cập nhật để đảm bảo đạt chuẩn theo yêu cầu mới đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện đã đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực; tiến độ triển khai một số nội dung, tiêu chí tỉnh NTM còn chậm, gặp khó khăn...
|
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Dương Chiến) |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM là mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ban hành nghị quyết. Vì vậy, cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn tỉnh phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn và cách làm linh hoạt hơn.
Để đạt được các chỉ tiêu trong xây dựng NTM, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã xây dựng lộ trình cụ thể theo từng tuần, tháng, quý, năm; làm tốt công tác đánh giá sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những ra tồn tại, hạn chế để tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.
Bên cạnh thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, cần quan tâm văn hóa, môi trường, an ninh, hoạt động của hệ thống chính trị. Địa phương đạt chuẩn NTM phải là địa phương bình yên, không có tệ nạn xã hội; tình làng, nghĩa xóm được phát huy; môi trường xã hội, môi trường tự nhiên thân thiện. Là địa phương đạt chuẩn, người dân phải được phát huy cao vai trò chủ thể; phát huy cao dân chủ, có ý thức cao để cùng hệ thống chính trị thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng địa phương đạt chuẩn NTM phải chú trọng thực chất, không chạy theo thành tích; tiêu chí đạt được phải đảm bảo tính bền vững. Sản phẩm OCOP phải xây dựng được thương hiệu trên thị trường.
Về xây dựng đô thị văn minh, cùng các cơ chế xây dựng NTM, cần quan tâm xây dựng thị tứ, thị xã, thị trấn khang trang, sạch đẹp hơn, trồng nhiều cây xanh hơn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Với những địa phương đã đạt chuẩn, cần tiếp tục củng cố, giữ vững các tiêu chí. Các địa phương chưa đạt chuẩn phải quyết tâm cao hơn.
Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại các địa phương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cơ sở trong quá trình xây dựng NTM; MTTQ và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tạo khí thế thi đua sôi nổi ở các địa phương. Các đơn vị đỡ đầu, tài trợ tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong quá trình đạt chuẩn và giữ chuẩn NTM. Văn phòng điều phối NTM các cấp tăng cường công tác tham mưu các phần việc để triển khai các tiêu chí tỉnh NTM đảm bảo thực chất, bền vững.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: Để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra trong năm 2023 và những năm còn lại của nhiệm kỳ, các địa phương, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực và đỡ đầu, tài trợ cho các xã, huyện chưa đạt chuẩn NTM; tiếp tục nâng cấp, củng cố các tiêu chí NTM ở các xã đạt chuẩn trước năm 2022, từ đó xây dựng lộ trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2023.
Tiếp tục đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn, xây dựng và phát triển một số sản phẩm OCOP thực sự chất lượng, hiệu quả; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số trong xây dựng NTM. Chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM, các địa phương, đơn vị phải thay đổi tư duy, cách trong giai đoạn mới; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất; tập trung hoàn thiện các tiêu chí cấp tỉnh; đầu tư hạ tầng thiết yếu; ưu tiên cao thực hiện các tiêu chí thiết thực với cuộc sống của người dân; sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách các cấp; đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa, huy động nguồn lực.
|
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2022 (Ảnh: Dương Chiến) |
Các sở, ngành kết nối với các bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn địa phương trong quá trình thực hiện; phấn đấu đến năm 2024 toàn bộ 13/13 huyện, thị, thành đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; năm 2023 có 100% số xã đạt chuẩn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cũng lưu ý, phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM phải dựa trên tình cảm, trách nhiệm với nông dân, nông thôn; gia tăng thu nhập phải hướng vào nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân; chú ý bảo đảm tính bền vững của tiêu chí đã hoàn thành; nguồn lực đầu tư phải tập trung; phải thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân để xây dựng NTM thực sự bền vững.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2022; trao tặng bằng khen cho 20 tập thể, 38 cá nhân và 4 hộ gia đình đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2022./.