Nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU

Bài 2: Kiên Giang: Kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong xử lý tàu cá vi phạm
Thứ năm, 09/03/2023 17:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Để giải quyết triệt để vấn đề tàu cá vi phạm IUU, tỉnh Kiên Giang kiến nghị cần tập trung mạnh vào các trường hợp còn vì lợi ích kinh tế mà vi phạm. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn còn vướng mắc liên quan đến việc xử lý các tàu cá vi phạm.

Nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU

 Tàu cá của ngư dân neo đậu trên sông Cái Bé thuộc địa bàn huyện Châu Thành (Kiên Giang) (Ảnh chỉ có tính minh hoạ - Nguồn: TTXVN)

Nỗ lực chống khai thác IUU

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh, địa phương có số lượng tàu lớn nhất, chiếm 10% số lượng tàu của cả nước; với khoảng 9.800 tàu, trong đó có khoảng 3.805 tàu dài trên 15m.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, về phía Kiên Giang, triển khai Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 13/7/2020 của Tỉnh ủy Kiên Giang về tăng cường các giải pháp quản lý ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật, đến nay, Kiên Giang đã đạt được những kết quả quan trọng.

Theo đó, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm được tăng cường, các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến. Đồng thời, địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các tàu chưa đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định. Việc theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá được thực hiện nghiêm túc. Qua theo dõi, phát hiện tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển chiếm 3,34% tàu cá hoạt động vùng khơi; tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, chiếm 31,98% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm được thực hiện khá tốt. Đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý tàu cá vi phạm; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản; giải quyết khiếu nại hành chính về tàu cá vi phạm,...

Thống kê cho thấy, từ tháng 8/2020 – 4/2022, trên biển, địa phương đã xử lý 226 trường hợp vi phạm hành chính, với số tiền nộp phạt 4.767.500.000 đồng; tham mưu UBND tỉnh ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thiết bị giám sát hành trình với số tiền 5.390.500.000 đồng.

Tại cảng cá, qua công tác thanh tra tại cảng đã xử phạt 18 trường hợp vi phạm hành chính với số tiền nộp phạt 366.000.000 đồng; qua hệ thống giám sát, phạt 245 trường hợp với số tiền 6.110.000.000 đồng,...

Kiên Giang đã phối hợp với Cục Lãnh sự, Cơ quan đại diện ngoại giao tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan,... xác minh và hoàn tất thủ tục đưa 666 ngư dân (trên 105 tàu cá) về nước theo yêu cầu hỗ trợ của người thân; phối hợp với Quỹ bảo hộ công dân hoàn tất thủ tục đưa ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ về nước,...

Còn nhiều khó khăn trong xử phạt tàu cá vi phạm

Mặc dù đạt được những kết quả trên, tuy nhiên, trong thời gian qua, Kiên Giang cũng là địa phương còn có nhiều vi phạm trong chống khai thác IUU. Trong năm 2022, Kiên Giang có 11 vụ, 17 tàu bị bắt ở phía bạn.

"Chúng tôi đã nhìn nhận về khuyết điểm của mình, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để hạn chế vi phạm về IUU" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh, hiện nay, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong chống khai thác IUU. Trong đó, ví dụ, tàu vi phạm ở vùng biển nước ngoài, khi Bộ Ngoại giao báo về, có tàu cá của Kiên Giang thì với các tàu này, Kiên Giang sẽ lập tức tiến hành điều tra xử lý. Trong quá trình đó, phải thu thập đầy đủ các bằng chứng, giấy tờ của phía bạn. Tuy nhiên, thông thường phía bạn không cung cấp mà phải thông qua Bộ Ngoại giao và cũng rất khó lấy giấy tờ từ phía bên bạn và nếu có thì không có bản gốc. Khi ra tòa, khi thực hiện các hình phạt tăng thêm, không có giấy tờ gốc. Do đó, điều này gây khó khăn trong việc xử lý đối với các tàu cá vi phạm.

"Trong quyết định xử lý vi phạm hành chính, đúng yêu cầu thì phải có tọa độ nơi vi phạm, thời gian vi phạm, hành vi đang vi phạm. Khi ra tòa, tòa đứng ở giữa. Các giấy tờ và các điều kiện không đủ, tòa hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền" - Ông Lê Quốc Anh cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Lê Quốc Anh cho biết, sẽ báo cáo với Tỉnh ủy để từng bước làm việc với các cơ quan tư pháp để xử lý bằng được những bất cập này.

Vấn đề thứ hai, theo ông Lê Quốc Anh, trong Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu xử lý được các đối tượng đưa tàu ra nước ngoài khai thác. Về công tác này, ông Lê Quốc Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã lập ban chuyên án để tìm ra những kẻ móc nối, qua làm nghiệp vụ vẫn không đủ cơ sở do các quy định của chúng ta chưa đủ để thực hiện truy tố đối với các đối tượng móc nối”.

Đặc biệt, theo ông Lê Quốc Anh, vấn đề chống khai thác IUU đã được tuyên truyền rộng rãi 5 năm nay, tuy nhiên, vẫn có một số nhóm ngư dân, chủ tàu vì lợi ích vẫn vi phạm. "Do đó, đây cũng là vấn đề chúng tôi đã kiến nghị phải xử lý thật nặng những trường hợp này, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc” – ông Lê Quốc Anh nhấn mạnh.

Tập trung mạnh vào các trường hợp còn vi phạm

Để giải quyết những vấn đề còn bất cập hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh kiến nghị cần có các biện pháp tập trung mạnh vào các trường hợp vì lợi ích kinh tế mà vi phạm về khai thác IUU, từ đó mới có được sự chuyển biến và thay đổi. Bên cạnh đó, Kiên Giang sẽ cố gắng thực hiện theo Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần, ý chí cao nhất. Đồng thời, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành cũng tiếp tục hỗ trợ Kiên Giang trong việc xử lý những vấn đề còn vướng mắc.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, về vấn đề vi phạm, móc nối, đưa tàu cá đi khai thác vùng biển nước ngoài, chắc chắn phải sử dụng lực lượng công an các tỉnh cùng với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, hải quân, các tổ chức chính trị.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với Kiên Giang, nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó, sự vào cuộc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh,...chắc chắn không có vấn đề gì khó mà chúng ta không gỡ được.

Để góp phần nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng IUU của EC, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã phát hành thư kêu gọi lần thứ 2 gửi đến các chủ tàu cá; chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản; thuyền trưởng; ngư dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang kêu gọi người dân, đặc biệt là chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân tích cực hưởng ứng lời kêu gọi này, thực hiện tốt kế hoạch hành động 180 ngày của Chính phủ, nhất quyết không đưa tàu đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài.

Chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân cần đảm bảo đầy đủ thủ tục hành chính trước khi đưa tàu đi đánh bắt cá; mở liên tục thiết bị giám sát hành trình trong suốt thời gian đánh bắt cá trên biển; thực hiện đúng quy định về cập cảng,... Đây là những nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá rất cao về sự hợp tác của ngư dân trong thời gian qua, nhưng điều đó vẫn chưa đủ điều kiện để gỡ thẻ vàng của EC, vì vậy đề nghị ngư dân nghiêm chỉnh thực hiện. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để góp phần nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng của EC, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Đảng ủy Bộ Quốc phòng, Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT chỉ đạo các lực lượng chức năng (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát ở các khu vực giáp ranh, khu vực chồng lấn vùng biển giữa Việt Nam với các nước để kịp thời ngăn chặn tàu cá trong nước vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta, ngăn chặn hành vi bắt giữ tàu trái phép trong vùng biển chưa phân định, còn chồng lấn.

Đồng thời, kiến nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ, bản án xét xử các trường hợp tàu cá, ngư dân bị các nước bắt giữ, cung cấp về địa phương để có cơ sở xử lý trong nước chính xác theo đúng quy định pháp luật./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực