Phấn đấu giá trị xuất khẩu tôm càng xanh đạt 100 triệu USD

Thứ năm, 05/11/2020 18:51
(ĐCSVN) - Theo Đề án về phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm càng xanh vừa được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt tại quyết định số 4354, Việt Nam hướng tới mục tiêu, đến năm 2025, diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 50.000 ha, sản lượng đạt 50.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD.
 Nông dân huyện U Minh Thượng, Kiên Giang thu hoạch tôm càng xanh nuôi xen với lúa. (Nguồn: TTXVN)

Cụ thể, theo Đề án, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất và cung ứng giống tôm càng xanh đảm bảo chất lượng và đủ số lượng từ 2-3 tỷ con giống phục vụ nuôi thương phẩm. Diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 50.000 ha, sản lượng đạt 50.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu (bao gồm xuất khẩu tại chỗ) đạt 100 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8%/năm.

Audio 

Để đạt được mục tiêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, về giống, đầu tư nghiên cứu chọn giống tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ số lượng. Tập trung nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống tôm càng xanh tại các tỉnh trọng điểm.

Đi liền với đó, hình thành được các vùng nuôi tôm càng xanh trọng điểm phù hợp với các vùng sinh thái. Với vùng Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, phát triển nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa, nuôi tôm càng xanh ghép với các đối tượng khác tại một số địa phương có điều kiện phù hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất và sản xuất bền vững.

Với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển các hình thức nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, các tỉnh vùng thượng đồng bằng gồm: An Giang, Đồng Tháp, Long An và một phần của Kiên Giang ưu tiên phát triển hình thức nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước hoặc nuôi tôm càng xanh – lúa xen canh.

Các tỉnh vùng giữa gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long và một phần của Tiền Giang ưu tiên phát triển tôm càng xanh – lúa xen canh, tôm càng xanh – mương vườn. Các tỉnh ven biển, vùng giáp ranh nước ngọt - mặn, lợ ưu tiên phát triển nuôi tôm càng xanh – lúa luân canh, hướng đến xây dựng những vùng sản xuất quy mô lớn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Đặc biệt, vấn đề thị trường được Bộ NN&PTNT quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của mặt hàng tôm càng xanh. Về thị trường trong nước, nghiên cứu và xác định nhu cầu tiêu thụ, khả năng cung ứng, các kênh tiêu thụ sản phẩm chính. Xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm và vùng cung cấp nguyên liệu. Mở rộng hệ thống thông tin điện tử, cập nhật thông tin về thị trường, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, thương mại tôm càng xanh.

Riêng về xuất khẩu, để mặt hàng tôm càng xanh đạt được giá trị cao, theo Bộ NN&PTNT, sẽ tổ chức nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng thị trường và khả năng cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm càng xanh để quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác, mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật đối với sản phẩm tôm càng xanh sống, tôm ướp đá và tôm đông lạnh đối với một số thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, một số nước ASEAN…/.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực