Phát huy vai trò của cộng đồng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ tư, 16/08/2023 23:20
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cộng đồng có vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược nông nghiệp, nông thôn. Do đó, cần có cách tiếp cận mới, cách nhìn đa chiều để huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển lĩnh vực này.

Chiều 16/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến “Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: B.T)

Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong thực hiện chiến lược nông nghiệp, nông thôn. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn. Tọa đàm chính là dịp để xem lại những định hướng và nội dung của cách tiếp cận cộng đồng.

“Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), tại Việt Nam, cộng đồng là tập thể xã hội đặc trưng bởi không gian địa lý, các tương tác trực tiếp, liên kết nhau bằng tình cảm, giá trị đồng nhất và chuẩn mực ràng buộc chung. Cộng đồng nông thôn sống và làm việc gắn với địa bàn làng, thôn, bản, ấp..., những đơn vị dân cư đủ nhỏ để mọi người biết rõ và có mối quan hệ chặt với nhau và đủ lớn để nhận diện khác biệt xã hội.

Cộng đồng, theo ông Sơn, thường sống chung nhiều thế hệ, ràng buộc bởi các mối quan hệ thân tộc, tập quán, tôn giáo; cùng chia sẻ công trình công cộng như đường xá, đình chùa, bến nước; dùng chung tài nguyên như khu rừng, đoạn sông, hồ nước...

Để phát triển mô hình cộng đồng nông thôn, ông Sơn cho rằng, cần tổ chức ra đơn vị cộng đồng nhân dân như: Hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác, hội quán. Đồng thời, lấy hoạt động kinh tế phát triển tổ chức cộng đồng. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp đảm bảo cung cấp vật tư đầu vào, thu mua nông sản đầu ra và hỗ trợ dịch vụ phục vụ sản xuất. Hợp tác xã phi nông nghiệp dẫn dắt kinh tế hộ phát triển ngành nghề. Vùng đồng bào dân tộc cho các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác dịch vụ trồng rừng, bảo vệ biên giới, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho rằng, chỉ khi nào cộng đồng tham gia chủ động, đầy đủ và làm chủ sáng kiến mới thật sự đem lại hiệu quả. Nói cách khác, với niềm tin, trao quyền cho các cộng đồng tham gia và hành động (từ giai đoạn thiết kế, tự thực hiện và làm chủ sáng kiến) là con đường dẫn tới thành công. Do đó, thúc đẩy việc trao quyền cho cộng đồng thật sự đang là một trong những chìa khóa để gắn kết, hun đúc tinh thần trách nhiệm với xã hội, môi trường và với thế hệ mai sau.

Bà Huyền cho rằng, để phát triển cộng đồng và phát huy hiệu quả sức mạnh và tiềm năng cộng đồng, cần tiếp tục đổi mới một số vấn đề. Trước hết, về tầm nhìn cần xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu và sức mạnh cộng đồng để hành động thực thi các chương trình, dự án một cách chủ động, lâu dài và bền vững. Về mục tiêu, cần phát triển cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình, dự án theo pháp luật trên nền tảng tâm lý, phong tục tập quán và truyền thống bản địa,…/.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực