Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới

Thứ sáu, 11/03/2022 17:00
(ĐCSVN) - Ngày 11/3, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới”.
 Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai)

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, bộ, ngành và địa phương cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và các nhà khoa học, các chuyên gia để trao đổi, thảo luận các vấn đề về các yếu tố hình thành và quản lý thị trường đất đai, thị trường bất động sản.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là tại các thành phố lớn, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Sự phát triển của thị trường bất động sản có một vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua việc thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra nhu cầu về lao động và thúc đẩy các ngành khác phát triển như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và nhà ở kết nối với thị trường đất đai và các dịch vụ môi giới, pháp lý và định giá.

Diễn biến trên thị trường bất động sản thời gian qua và gần đây nhất là các vấn đề về giải phóng mặt bằng, trường hợp đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm - TP.HCM hay việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đã cho thấy công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn những hạn chế nhất định về: Quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, thuế, tín dụng, thu tiền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai cũng như các quy định pháp lý về kinh doanh bất động sản. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững.

Hội thảo tập trung vào 04 nội dung: Tổng quan chủ trương của Đảng, việc thể chế hóa, thực thi luật pháp và thực thi luật pháp và cơ chế chính sách tài chính của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bất động sản; Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Nghị uyết 19 và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, khả năng vận dụng tại Việt Nam; Đánh giá chung hiệu quả và hạn chế, yếu kém về chính sách tài chính, tín dụng, quan hệ thị trường thực hiện trong đất đai với kinh tế - xã hội của đất nước; Đề xuất, định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian tới; từ đó đưa ra định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

 

 PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc. (Ảnh: Chi Mai)

Các tham luận đã chỉ ra những hạn chế của các văn bản pháp luật bao gồm: Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư…dẫn đến hạn chế nguồn thu tài chính từ đất đai trên khía cạnh định giá, quy hoạch treo, phân cấp quản lý, ưu đãi đầu tư….

Nghiên cứu về phát triển nhà ở giá hợp lý (trường hợp tại TP Hồ Chí Minh) của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế - Luật và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đến nay chưa có một định nghĩa chung cho nhà ở giá hợp lý. Có thể hiểu nhà ở giá hợp lý là khi tỉ lệ chi tiêu cho nhà ở không vượt quá 30% tổng thu nhập. Ở Việt Nam, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 đặt ra một số mục tiêu cơ bản: Phấn đấu phát triển và cải tạo, sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2021-2030 đạt 1,032 tỉ m2, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn nhà.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cơ quan chức năng cần có chính sách tăng tỉ trọng cơ cấu nhà cho thuê; đa dạng hóa, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và có giá cả hợp lý. Cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị. Đồng thời xây dựng và kết cấu lại các chính sách cụ thể riêng cho từng loại hình nhà ở, nhóm đối tượng mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội.

Đưa ra quan điểm của mình, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... vẫn còn có những nội dung giao thoa, chồng chéo, bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để khắc phục các tồn tại này. Đại diện bộ cũng cho biết bộ đang kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến hai dự án: Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường này. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Ngoài ra, hội thảo tổ chức phiên bàn tròn đối thoại với sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, đại diện các bộ ngành và các địa phương cùng chuyên gia để thảo luận các chủ đề mang tính thực tiễn cao, các vướng mắc cũng như giải pháp để phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam cho phù hợp với tình hình mới.

Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến trao đổi thảo luận để hoàn thành báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để đóng góp cho việc xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách phát triển bền vững thị trường bất động sản ở Việt Nam

Hội thảo nhận, phản biện, biên tập và giới thiệu 25 bài tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ cơ quan Trung ương và địa phương, các trường đại học và hiệp hội để biên tập đưa vào Kỷ yếu hội thảo./.

 

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực