Ngày 20/12, tại Hà Nội, Báo điện tử VTC News phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng".
|
Quang cảnh Hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng". |
Thực phẩm chức năng xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2000, sau 20 năm phát triển, thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh, số lượng sản phẩm đăng ký mới hàng năm lên tới con số chục nghìn, trên 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%, sự quan tâm của người tiêu dùng ngày càng tăng lên.
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt nhiều vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng như: Quảng cáo như thuốc chữa bệnh; sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, diễn viên, người nổi tiếng... để thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như "thần dược"... xuất hiện tình trạng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng tới sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, để lại hệ lụy xấu cho xã hội.
Hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" được tổ chức nhằm cùng thảo luận, tham mưu và đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện và thể chế quản lý thực phẩm chức năng, đưa ra các giải pháp quản lý truyền thông, quảng cáo thực phẩm chức năng một cách đúng đắn, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thông qua hội thảo tuyên truyền để người dân trong cả nước hiểu đúng, từ đó sử dụng thực phẩm chức năng theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, thực phẩm chức năng là sản phẩm hỗ trợ chức năng tạo cho cơ thể con người tình trạng thoải mái, giảm nguy cơ bệnh tật. Việt Nam có lợi thế lớn phát triển thực phẩm chức năng, trên cơ sở tận dụng nguyên liệu tự nhiên do ông cha ta nhiều năm nghiên cứu, từ bài thuốc Đông y, các nhà khoa học đã kết hợp, chiết xuất, tách chiết để tạo ra sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ con người.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, luật pháp quy định, các đơn vị chỉ được quảng cáo thực phẩm chức năng những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất hiện tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo, tồn tại nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Nhiều quảng cáo sai lệch thông tin, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng như cắt ghép hình ảnh, lô gô của đài truyền hình Việt Nam, lực lượng quân đội công an…để quảng bá sản phẩm. Một số nghệ sĩ xuất hiện trong các quảng cáo sản phẩm sai chức năng, công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận.
|
TS. Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chia sẻ tham luận, nêu rõ những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thực phẩm chức năng. |
Đánh giá những khó khăn trong công tác quản lý, TS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, vi phạm tại các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát; khó xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm.
Sự phát triển công nghệ số dễ dàng tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sỹ, hình ảnh Đài truyền hình Việt Nam, Công an, Quốc phòng, các báo lớn hoặc sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh.
Một số công ty thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sỹ, dược sỹ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trên giao diện một số báo điện tử có hình ảnh sản phẩm, đường link dẫn website quảng cáo sản phẩm vi phạm; nhân lực của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế về số lượng, năng lực.
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trong hai năm 2021 và 2022, ngoài việc xử phạt, Cục đã cảnh báo trên website: vfa.gov.vn với 336 bài cảnh báo. Chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử xử lý 483 đường link (139 facebook, 6 youtube). Chuyển Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương: 89 website sàn thương mại điện tử. Năm 2021, đã xử lý, yêu cầu rà soát và gỡ bỏ 79 gian hàng, 107 sản phẩm vi phạm. Năm 2022, đã xử lý 1.145 gian hàng vi phạm.
TS. Trần Việt Nga cũng kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có các giải pháp để quy định chặt chẽ hơn về việc cấp, đăng ký giấy phép kinh doanh; tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp, xử lý và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm; tuyên truyền pháp luật về quảng cáo, kiểm tra xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo vi phạm...
|
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chia sẻ tham luận tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, kỹ thuật chống hàng giả của Việt Nam đã khá lạc hậu, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp cần có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để hỗ trợ lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Cần có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.
Kiến nghị giải pháp, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng: Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp cần đồng lòng, góp sức chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng. Hiệp hội cần là đầu mối quy tụ doanh nghiệp, người tiêu dùng phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng. Doanh nghiệp, người tiêu dùng phát hiện thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cần phản ánh đến lực lượng Quản lý thị trường qua đường dây nóng tại địa chỉ dms.gov.vn để tiếp nhận và xử lý sai phạm.
Hội thảo cũng nhận được nhiều tham luận từ đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam; Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chăm sóc sức khỏe... Thông qua các nội dung tham luận đã kiến nghị nhiều giải pháp tăng cường quản lý sản phẩm thực phẩm chức năng, tuyên truyền để người dân hiểu đúng, sử dụng thực phẩm chức năng đúng hướng dẫn, tránh bị lạm dụng trong quá trình sử dụng..../.