Phát triển hệ thống phân phối điện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ năm, 23/02/2012 16:27

(ĐCSVN) – Hướng tới mục tiêu nước ta cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cùng với yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó điện lực là 1 trong 4 lĩnh vực trọng tâm, ngành Điện đã và đang nỗ lực đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, nhất là với việc phát triển hệ thống phân phối điện.

Từ mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XI) đặt ra về hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đi đôi với tiết kiệm, giảm tiêu hao điện năng, hiện nay, ngành Điện cũng đang đẩy nhanh tiến trình triển khai các định hướng phát triển hạ tầng cung cấp điện bao gồm: Thực hiện đúng tiến độ các nhà máy điện theo Quy hoạch điện 7, ưu tiên các nhà máy có công suất từ 1.000 MW trở lên; phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền: Bắc, Trung, Nam; ưu tiên phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, điện gió; nghiên cứu đưa nhà máy thuỷ điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện; tập trung đầu tư phát triển các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và Ninh Thuận II, bảo đảm đến năm 2020, đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành, đến năm 2030, nguồn điện hạt nhân có tổng công suất 10.700 MW; phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ, phù hợp với tiến độ vận hành các nhà máy điện; nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối; kết nối, hoà mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực; thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP còn 1,0 vào năm 2020.

  

Tăng cường đầu tư hệ thống trạm biến áp và nhà máy sản xuất điện hiện đại (Trong ảnh: một góc của nhà máy điện khí đạm Cà Mau -Ảnh: HNV)


Thực tế hiện nay cho thấy, nước ta vẫn bị thiếu điện và thường xuyên xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên, đặc biệt vào các đợt cao điểm và ở các trung tâm, khu đô thị lớn. Theo thống kê sơ bộ, mức điện thiếu hụt ước tính vào khoảng 800 MW đến 1.300 MW vào lúc mức tiêu thụ lên cao nhất. Điều này khiến cho các nhà quản lý đã phải tính đến giải pháp hạn chế phân phối điện. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng quá nhanh trong quá trình phát triển nhanh và mạnh của đất nước. Thêm vào đó, lượng cung ứng điện chủ yếu là từ thủy điện. Mức sản xuất thủy điện giảm vào mùa khô. Nếu hạn hán xảy ra lâu nhà máy sẽ thiếu nước để sản xuất điện...

Nhu cầu về điện lực sẽ liên tục gia tăng trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang trên đà tiếp tục tăng trưởng. Với mức tiêu thụ điện gia tăng như trên, cộng với khả năng đáp ứng điện còn nhiều hạn chế như hiện nay, khả năng nhập khẩu điện của nước ta là rất lớn nếu như nước ta không gia tăng khả năng sản xuất điện gấp 2,5 lần trong thời gian 2011 - 2020.

Do đó, về phương diện phân phối điện, nước ta cần tối tân hóa những trạm biến điện để giảm những thất thoát điện lực qua những đường dây, máy biến thế và những bộ phận cũ kỹ...

Trước tình hình này, vừa qua, ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh. Thực hiện điều này, vấn đề đặt ra là phải phát triển hệ thống phân phối điện đáp ứng được các yêu cầu trên trong khi thực tế, việc phân phối điện hiện nay còn nhiều khó khăn. Khó khăn này xuất phát từ các bất cập về mạng lưới truyền tải điện, về nguồn điện cung ứng.

Về Quy hoạch phát triển lưới điện, Quy hoạch điện VII đã định hướng phát triển lưới điện rất cụ thể, đó là lưới điện truyền tải được đầu tư đạt tiêu chuẩn độ tin cậy và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Quy định lưới điện truyền tải. Đồng thời, phát triển lưới điện phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước trong khu vực, bảo đảm kết nối, hòa đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực. Lưới điện truyền tải phải có dự trữ, đơn giản, linh hoạt, bảo đảm chất lượng điện năng (điện áp, tần số) cung cấp cho phụ tải. Lựa chọn cấp điện áp truyền tải hợp lý trên cơ sở công suất truyền tải và khoảng cách truyền tải. Do vậy, Quy hoạch phát triển lưới điện siêu cao áp và phát triển lưới điện truyền tải 220 kV.

 

 Tăng cường nhiều hơn nữa trang thiết bị hiện đại nhằm giảm thiểu thất thoát điện trong sản xuất, phân phối và sử dụng (Ảnh: HNV)


Về quy hoạch nguồn điện cung ứng, Quy hoạch điện VII đã nêu rõ: Phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền Bắc, Trung và Nam, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng hệ thống điện miền nhằm giảm tổn thất truyền tải, chia sẻ công suất nguồn dự trữ và khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện trong các mùa, đưa tổng công suất nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (không kể thuỷ điện nhỏ) từ mức không đáng kể hiện nay lên tới khoảng 1.160 MW với điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng chiếm xấp xỉ 0,7% vào năm 2020; phát triển điện sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường có tổng công suất khoảng 500 MW với tỷ trọng điện sản xuất khoảng 0,6% vào năm 2020; đồng thời ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp: Chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020; phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu; phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm đảm bảo ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt, đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành năm 2020.

Cũng theo Quy hoạch, nước ta sẽ đầu tư mới bằng lưới điện quốc gia hoặc nguồn điện tại chỗ (thủy điện nhỏ, cực nhỏ; pin mặt trời, gió kết hợp với nguồn diezen) để cấp điện cho khu vực nông thôn; đến năm 2015 có 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện; đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.Trước mắt, trong giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377.000 hộ dân nông thôn. Sang giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư cấp điện mới từ lưới quốc gia cho 200.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231.000 hộ dân nông thôn.

Khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu đặt ra của Quy hoạch điện VII cũng như thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XI) cộng với sự đầu tư tích cực của Nhà nước, hy vọng, những tồn tại, bất cập của hệ thống phân phối điện sẽ từng bước được cải thiện, được củng cố và phát triển, đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn hiện nay và  tương lai./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực