Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi về kinh nghiệm sản xuất gạo sạch
và nông sản an toàn hữu cơ (Ảnh: Minh An)
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Trần Văn Tùng đánh giá cao tầm quan trọng của nền nông nghiệp sạch, an toàn và coi “nông sản sạch – hữu cơ là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tùng cũng thẳng thắn chỉ ra, nông nghiệp an toàn – hữu cơ trong thực tế ở nước ta vẫn chưa thực sự phát triển, các chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển hầu như chưa đủ mạnh, sự hiểu biết của người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng về nông sản an toàn – hữu cơ còn hạn chế, người dân không dễ dàng nhận biết được sự khác biệt. Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, để hỗ trợ nông sản an toàn – hữu cơ phát triển, cần tập trung quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm, còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp an toàn – hữu cơ theo hướng hàng hóa. Thêm vào đó, trong thời gian đầu, cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi trong giao và thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập cho cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn – hữu cơ cũng như xem xét tới Quỹ bảo hiểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ – an toàn. Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan tới nông nghiệp an toàn – hữu cơ. Cuối cùng là, hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng cho chế biến phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh vật tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển đồng thời giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm.
Trao đổi về ngành lúa gạo, nhất là phát triển gạo sạch Việt, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp cho hay, Việt Nam đã gia nhập cộng đồng thương mại thế giới, gần đây nhất là Hiệp ước Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng nông dân vẫn cực nhọc sản xuất mà lợi nhuận luôn thấp hơn so với các lao động khác. Giá lúa luôn thấp và giá gạo xuất khẩu luôn luôn bị thương lái quốc tế mua thấp hơn gạo các nước khác. Thậm chí người tiêu dùng Việt Nam cũng không tin tưởng gạo Việt Nam. Nguyên nhân chính là do sản xuất khối lượng lớn với giá thành cao nhưng chất lượng kém, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, kỹ thuật tụt hậu, lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp. Môi trường kinh doanh manh mún, không tập hợp được liên minh sản xuất theo chuỗi.
Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, mặt hàng gạo bán lẻ cho người tiêu dùng Việt Nam thì nhiều nhãn hiệu không biết nguồn gốc, đang phổ biến gạo Việt trong bao bì cónhãn hiệu Thái Lan, Campuchia, Nhật. Gạo Việt xuất khẩu chủ yếu theo hình thức qua chính phủ mang nhãn hiệu của khách hàng, vài doanh nghiệp tư nhân, khối lượng nhỏ, chỉ xuất khẩu ủy thác cho doanh nghiệp lớn nhưng không uy tín.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp GAP cho rằng, gạo Việt đang mất điểm trên thị trường thế giới, ở trong nước, gạo Việt cũng không có chỗ đứng, người có tiền đi mua gạo Thái Lan, Campuchia về ăn. Nguyên nhân do, hiện nay gạo Việt đang bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn. Một năm, Việt Nam xuất khẩu 10-20% tổng lượng gạo cả nước sản xuất ra, còn lại là tiêu dùng trong nước. Làm thế nào để người tiêu dùng Việt đừng quay lưng với gạo Việt đó là trăn trở của doanh nghiệp, của người nông dân đang trồng lúa. Cũng theo bà Tú Anh, ngon và sạch là 2 yếu tố quan trọng để chúng ta xây dựng thương hiệu cả nội địa và quốc tế.
Đề xuất hướng đi vững chắc của gạo ngon cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần chọn giống lúa mang thương hiệu quốc gia, đặt tên giống quốc gia cho các giống đã chọn. Đồng thời tổ chức theo chuỗi giá trị sản xuất mỗi loại gạo trong số giống đã chọn, tiến hành xúc tiến thương mại và phân phối đến khách hàng.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, gạo Việt Nam cần được Nhà nước quan tâm tổ chức sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế mới bảo đảm lương thực lành mạnh cho nhân dân và sản phẩm xuất khẩu được thế giới tin dùng. Không nên để cho các thành viên than gia thị trường hoạt động một cách tự phát, không tổ chức, không kiểm tra như hiện nay. Trong đó, giải pháp thuận lợi nhất là tổ chức “gắn “Nhà nông với nhà nông trong hợp tác xã nông nghiệp kiểm mới hoặc Cụm liên kết nông nghiệp kỹ thuật cao” và gắn hợp tác xã nông nghiệp với “Nhà doanh nghiệp” trong một cơ chế theo chuỗi giá trị đến thành phẩm gạo ngon và sạch. Chấm dứt kiểm làm chụp giật, pha trộn giả mọc sản phẩm không rõ nguồn gốc như hiện nay.
Có thể khẳng định, sản xuất nông sản an toàn – hữu cơ nói chung, hay gạo sạch nói riêng không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đến nông nghiệp như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương... cần sớm ban hành các chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ nông sản an toàn – hữu cơ phát triển. Các chính sách nên tập trung vào quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm thích hợp cho sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, cần có chính sach hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi trong giao và cho thuê đát và miễn giảm thuế co các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tiêu thụ nông nghiệp an toàn – hữu cơ…/.