Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tạo động lực để nông dân làm giàu

Thứ hai, 10/12/2018 09:48
(ĐCSVN) – Từ phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi do Hội Nông dân tỉnh Hải Dương phát động trong những năm qua, đã tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương.

999 đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần VII

"Cán bộ mà nản thì dân biết trông vào ai?"

Khích lệ nông dân thi đua lao động, sản xuất



Để phong trào phát triển mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu, các cấp Hội ND tỉnh đã thường xuyên
biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào - ảnh: HM

Nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương và các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đây được coi là phong trào lớn, trọng tâm của Hội, tạo sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Từ phong trào tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế từng địa phương; nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết hợp tác trong sản xuất đưa phong trào phát triển nhanh với chất lượng ngày càng cao.

Việc xây dựng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao được các cấp hội quan tâm chỉ đạo, với nhiều biện pháp hỗ trợ. Các cấp Hội phối hợp và trực tiếp tổ chức gần 8.000 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, tổ chức cho hội viên nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Chỉ đạo xây dựng 328 mô hình phát triển kinh tế, nhiều mô hình đã được nhân rộng mang lại hiệu quả cao. Phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thực sự trở thành động lực khuyến khích nông dân làm giàu góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng củng cố tổ chức hội vững mạnh.

Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống được phát huy. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động được 79,3 tỷ đồng, 7.586 ngày công lao động giúp các hộ nông dân nghèo có thêm tiền vốn, vật tư để sản xuất; 32.807 lượt hộ nghèo được cán bộ Hội, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đăng ký giúp đỡ, 10.983 hộ đã thoát nghèo, 901 hộ vươn lên trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh, Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải xây dựng, tổ chức phát sóng chương trình “Đồng hành thoát nghèo” với 208 hộ nông dân nghèo được hỗ trợ 3,12 tỷ đồng; phối hợp với Tỉnh đoàn Hải Dương, Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần GreenFeed tổ chức thực hiện chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” với 120 hộ nông dân nghèo, cận nghèo tham gia. Tổng số tiền các hộ được vay không lãi là 1,62 tỷ đồng. Các cấp Hội đã vận động 3,8 tỷ đồng và 5.328 ngày công lao động giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Vũ Văn Yên ở khu chuyển đổi thôn Nội, xã Minh Hòa- huyện Kinh Môn (áo xanh)
là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh: Báo Hải Dương 

Nhiều tỷ phú nông dân xuất hiện

Từ phong trào, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội trong tỉnh tổ chức phát động, đăng ký và hướng dẫn bình xét công khai, dân chủ được hội viên nông dân đồng tình, tích cực hưởng ứng tham gia. Đã có 907.547 lượt hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, qua bình xét có 704.595 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 77,6% so với hộ đăng ký (đạt 97% chỉ tiêu nghị quyết). Trong đó, cấp Trung ương 739 lượt hộ, cấp tỉnh 32.571 lượt hộ, cấp huyện 163.393 lượt hộ, cấp cơ sở 507.892 lượt hộ.

Đó là mô hình của gia đình anh Vũ Văn Yên ở khu chuyển đổi thôn Nội, xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn. Với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, anh đã biến vùng đất chiêm trũng thành trang trại chăn nuôi trù phú, cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 1998, anh Yên bàn với vợ xin chính quyền địa phương nhận khoán thầu hơn 1 mẫu đất trũng làm trang trại. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng gần 10 triệu đồng, anh đầu tư mua con giống. Toàn bộ việc quy hoạch chuồng trại, vợ chồng anh ngày đêm khai hoang, xây dựng chuồng trại nuôi cá và lợn thịt.

Đất không phụ người, việc chăn nuôi thuận lợi cho hiệu quả kinh tế khá đã giúp anh trả hết nợ ngân hàng và có vốn tích lũy. Năm 2003, sau khi tham quan mô hình nuôi ba ba ở tỉnh Hưng Yên, anh Yên cải tạo một phần diện tích để nuôi 500 con ba ba thương phẩm. Vụ đầu tiên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2006, anh tiếp tục chuyển đổi diện tích để cải tạo vườn tạp, đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn.

Hiện nay, khu vực chuyển đổi của gia đình anh rộng 2 ha, quy hoạch vườn cây, khu chuồng trại chăn nuôi khép kín gồm lợn thương phẩm, ba ba, cá lồng, gà siêu trứng. Trang trại của gia đình anh nuôi 16.000 con gà siêu trứng cho sản lượng gần 4 triệu quả trứng/năm; 10.000 m2 mặt nước nuôi cá điêu hồng, cá lăng với sản lượng khoảng 12 tấn/năm; 3.000 con ba ba gai thương phẩm… Trừ mọi chi phí, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 800 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình của anh còn giải quyết việc làm cho 13 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng. Trong các phong trào của địa phương, anh Yên luôn gương mẫu thực hiện.

Hay như hộ gia đình ông Nguyễn Trung Tựu ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách nuôi gần 100 lồng cá trên sông, hàng năm cho thu hoạch 330 – 360 tấn cho doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trung bình đạt trên 4,5-5 tỷ đồng. Đặc biệt, để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, tháng 4/2018, gia đình ông Tựu đã thực hiện việc gắn tem truy xuất nguồn gốc trên từng sản phẩm cá nuôi của gia đình.

Theo ông Tựu, sản phẩm sau khi gắn tem truy xuất nguồn gốc cho giá ban đầu cao hơn 20-22% và sản phẩm xuất ra đến đâu được thương lái đến tận nơi thu mua. Hiện, mô hình của ông Tựu đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức lương bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng.

Còn rất nhiều những nông dân tỷ phú xuất hiện từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Hải Dương. Họ là những tấm gương nông dân vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương; góp sức vào quá trình xây dựng Hải Dương ngày càng phát triển./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực