|
Đánh bắt cá ngừ đại dương. (Ảnh: Báo Phú Yên) |
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên, hiện địa phương có 3 tàu câu cá ngừ đại dương trang bị thí điểm máy lọc nước biển thành nước ngọt; hơn 50 tàu lưới vây trang bị máy dò quét; 6 tàu lưới vây trang bị máy dò chụp 360 đô; 28 tàu câu cá ngừ đại dương trang bị dụng cụ làm choáng cá trước khi bắt lên tàu; nhiều tàu câu cá ngừ đại dương sử dụng con mực giả để làm mồi câu; hơn 40 tàu câu cá ngừ đại dương trong tỉnh sử dụng lưỡi câu vòng để câu cá ngừ đại dương; 10 tàu lưới vây và 13 tàu câu cá ngừ đại dương lắp đặt, sử dụng hầm bảo quản sản phẩm khai thác bằng vật liệu P.U (Poly Urethane).
Để phát triển thế mạnh của nghề khai thác và chế biến thủy, hải sản, Phú Yên đã thành lập 8 nghiệp đoàn nghề cá, 116 tổ đội sản xuất trên biển với 861 tàu cá với 7.530 lao động tham gia, cùng với đó là 13 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 1.612 người tham gia.
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư 2 khu neo đậu tránh trú bão là Vịnh Xuân Đài và Đầm Cù Mông. Hiện đang triển khai xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác.
Ngoài ra, địa phương này còn nâng cấp, mở rộng 4 cảng cá là Tiên Châu, Dân Phước, Đông Tác và Phú Lạc, nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu ra vào cảng, cung cấp nhiên liệu, mua bán sản phẩm khai thác và tránh trú bão cho các tàu cá trong tỉnh.
Toàn tỉnh cũng có 21 cơ sở đóng sửa tàu, trong đó có 2 cơ sở đáp ứng điều kiện hoạt động quy định. Phú Yên đã triển khai đóng mới tàu cho ngư dân vươn khơi bám biển theo Nghị định 67/2014/ của Chính phủ, toàn tỉnh đã có 19 tàu cá được hỗ trợ đóng mới gồm 4 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ composite. Đã có 5 tàu cá được nâng cấp với tổng số tiền vay trên 281 tỷ đồng.
Được biết, thời gian qua, Phú Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Để sớm xóa bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan tiếp tục tuyên truyền, ngăn chặn việc ngư dân tổ chức khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài và khẩn trương khắc phục những tồn tại mà Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị…
Đồng thời, Phú Yên còn triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác, từng bước giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Nhờ vậy, ý thức của ngư dân được nâng cao, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài đã được khắc phục.
Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Phú Yên, hiện tại các cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa), Phú Lạc (huyện Đông Hòa), Dân Phước (TX Sông Cầu) và Tiên Châu (huyện Tuy An) đã thành lập 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá. Ban quản lý Cảng cá Phú Yên đã phân công nhân viên làm nhiệm vụ giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, ghi chép đầy đủ thông tin tàu cá xuất và cập cảng, thu nhận nhật ký, lưu trữ hồ sơ đảm bảo truy xuất nhanh các tài liệu có liên quan.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đúng các quy định về khai thác hải sản trên biển, không vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành và địa phương liên quan tăng cường hơn nữa trong việc kiểm soát tàu cá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản sử dụng các ngư cụ cấm. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng biển hở nhằm tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề và giảm áp lực nuôi thủy sản tại các đầm, vịnh…