Quản lý cây trồng hướng đến nông nghiệp xanh, phát triển bền vững

Thứ sáu, 12/05/2023 17:07
(ĐCSVN) - Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được của dự án, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục duy trì và lan tỏa những cách làm hay. Qua đó, nâng cao nhận thức của nông dân trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.
 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: M.L)

Ngày 12/5, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Văn phòng đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp”.

Theo thông tin tại Hội nghị, đến nay, dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” đã đào tạo và tập huấn cho 99 giảng viên nguồn cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây là lực lượng nòng cốt trong đào tạo tập huấn cho hàng triệu nông dân trên cả nước thời gian tới.

Từ thực tế triển khai, đã có hàng nghìn cán bộ tại các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng và địa phương cũng như nông dân ở các vùng sản xuất trồng trọt trọng điểm được tham gia các lớp tập huấn. Nhiều nông dân sau khi được tập huấn đã trở thành các tuyên truyền viên tích cực lan tỏa trong các tổ nhóm, hợp tác xã về sản xuất nông nghiệp an toàn, sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch hại, nâng cao sức khỏe cây trồng….

Theo GS.TS Nguyễn Văn Tuất - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, phải sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, nhất là trong sản xuất lúa, trong khi Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải góp phần tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo vào Liên minh châu Âu (EU) khi các quốc gia trong khối này sắp tới sẽ xem xét đánh thuế về những nông sản gây phát thải khí nhà kính. Nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp, các gói kỹ thuật trong quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp sẽ giúp đưa phát thải khí nhà kính về “0”, giảm bớt việc lạm dụng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Khẳng định hiệu quả của dự án, tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp không chỉ giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, xanh và bền vững, mà còn thực hiện các cam kết của Chính phủ trong giảm phát thải khí nhà kính.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, đây cũng là dịp để các đơn vị tham gia đánh giá kết quả đạt được trong quá trình thực hiện, đồng thời rút kinh nghiệm và đề ra những hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo, nhằm đảm bảo dự án đạt được mục tiêu đề ra và phát huy tối đa hiệu quả. Trên cơ sở những kết quả đạt được của dự án, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục duy trì và lan tỏa những cách làm hay, qua đó, nâng cao nhận thức của nông dân trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh và phát triển bền vững./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực