Quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước

Thứ hai, 21/11/2022 15:38
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, quyết định, đến năm 2030, với quy mô dân số khoảng 105 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7,0%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại với mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, đồng bộ và hiện đại.
Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã yêu cầu sớm ban hành và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: T.H)

Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch là bộ 3 văn kiện có giá trị pháp lý cao nhất do Quốc hội quyết định, hoạch định sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong từng giai đoạn. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực thường được xây dựng cho một thời kỳ dài 20 - 30 năm, là căn cứ để lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, địa phương cho quãng thời gian 10 - 20 năm. Còn quy hoạch là cơ sở để xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 5 năm hay còn gọi là kế hoạch trung hạn, dưới nữa sẽ là kế hoạch ngắn hạn 3 năm, 1 năm theo hướng cụ thể hóa hơn nữa, chi tiết hơn nữa.

Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đã định nghĩa quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.

Thực tế hiện nay, tuy đã chuẩn bị vào năm thứ 3 của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2025, nhưng tiến độ thực hiện xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đang bị chậm tiến độ do phải thực hiện nhiều bước trong quy trình, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết số 751 cho phép lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia để khắc phục thực trạng quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia chưa lập, phê duyệt xong nên không có căn cứ để lập các quy hoạch cấp dưới.

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được thực hiện theo Luật mới là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài. Đảng ta đã yêu cầu trong xây dựng, thảo luận, phê duyệt quy hoạch phải nhận thức đầy đủ những nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực tế phát triển kinh tế, xã hội đất nước thời gian qua.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, quyết định, đến năm 2030, với quy mô dân số khoảng 105 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7,0%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại với mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại. Các vấn đề như an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước được bảo đảm, môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Đến năm 2050, nước ta sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao với tốc độ tăng trưởng GDP 2031 - 2050 khoảng 6,5 - 7,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70 - 75%, người dân sống hạnh phúc.

Ngoài những chỉ tiêu về kinh tế, quy hoạch đã đặt ra những mục tiêu xã hội đầy tham vọng vào năm 2030 như: tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại đô thị đạt tối thiểu 32 m2; nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả.

Theo quy hoạch, cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng văn hóa, xã hội sẽ được hình thành trong giai đoạn này. Một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế so sánh và còn dư địa lớn xác định theo các yếu tố năng suất, chất lượng, hiệu quả sẽ được ưu tiên phát triển để làm động lực cho tăng trưởng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế sẽ được đặc biệt coi trọng.

Là một quốc gia đất hẹp, người đông, nhiều vùng miền với đặc thù địa lý, thủy văn, khí hậu khác nhau, nên một trong những yêu cầu xuyên suốt trong công tác quy hoạch là bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích của cộng đồng, giữa lợi ích của các vùng, các địa phương. Đây là một yêu cầu hết sức chính đáng khi trong thực tế vừa qua đã có không ít trường hợp phá vỡ quy hoạch, hay điều chỉnh theo hướng có lợi cho nhà đầu tư gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong phát triển đô thị, nhà ở, khu cụm công nghiệp. Hay như một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa tính toán đầy đủ những tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng gây ngập lụt, lưu lượng phương tiện phát triển đột biến gây ùn tắc, tai nạn. Nhiều lợi thế so sánh ở cấp độ địa phương, vùng miền hay quốc gia chưa được chủ động khai thác, phát huy hiệu quả. Chính vì lẽ đó, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã yêu cầu sớm ban hành và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực