Lên thăm huyện Văn Yên, cảm nhận của chúng tôi về cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi so với chục năm về trước; nhọc nhằn giờ đã qua, ngày mới tươi đẹp đã đến với mảnh đất miền núi này. Sau bao năm nỗ lực, đường giao thông liên thôn, liên xã, liên huyện, đã được đầu tư khang trang, đồng bộ, là điều kiện thuận lợi để vực dậy nền kinh tế cho các vùng khó khăn địa phương.
Bà Đàm Thị Huệ, trú tại thôn Yên Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên phấn khởi nói: “Từ khi thực hiện xây dựng NTM đã mang lại cuộc sống mới cho bà con dân bản. Không chỉ có đường đi, nơi khám bệnh tốt, con trẻ được học hành mà người dân còn được phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, sáng tạo, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo. Nhận thấy nhiều lợi ích, dân bản chúng tôi đang quyết tâm xây dựng, cùng với các cấp ủy chính quyền sớm đưa huyện đạt chuẩn NTM...”.
|
Quân dân huyện Văn Yên chăm sóc các tuyến đường giao thông NTM. (Ảnh: Kim Chiến) |
Mặc dù, là huyện miền núi, với trên 40% dân số là đồng bào dân tộc, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối và vẫn còn những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo cùng sự nỗ lực của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, Văn Yên đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư các xã phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022. Hiện xã Châu Quế Thượng đạt 12/19 tiêu chí; xã Đại Sơn đạt 10/19 tiêu chí; xã Phong Dụ Hạ đạt 7/19 tiêu chí; xã Xuân Tầm đạt 9/19 tiêu chí. Đối với 2 xã Yên Hợp đạt 11/19 tiêu chí và xã An Thịnh đạt 8/19 tiêu chí, dự kiến được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2022.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2020-2025, huyện Văn Yên sẽ tập trung nguồn lực để đưa những xã đang hoàn thiện các tiêu chí để đạt xã chuẩn NTM, chỉ đạo quy hoạch những xã đạt NTM lên NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu với tổng kinh phí để xây dựng xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2020-2025 là 801.658 triệu đồng. Trong đó ngân sách nhà nước: 659.930 triệu đồng; huy động từ cộng đồng: 142.728 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã An Thịnh, huyện Văn Yên chia sẻ niềm vui: Trong những năm qua, tập thể cán bộ xã An Thịnh và bà con đã cố gắng hoàn thiện xây dựng các công trình trọng điểm như: Trạm Y tế, Trường tiểu học cấp 1, 2, Trường mầm non xã An Thịnh, nâng cấp nhà bia tưởng niệm liệt sỹ…
“Với quan điểm xây dựng nông thôn mới, NTM kiểu mẫu, toàn diện, phát triển bền vững gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, bảo tồn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa nông thôn. Ban chỉ đạo xã đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa tới toàn thể cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân để xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào tháng 12 năm 2022 này…”, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh.
Để phát huy kết quả trên, cấp ủy, chính quyền và nhân huyện Văn Yên tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Huyện Văn Yên chung sức xây dựng nông thôn mới”; gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để phát huy sức sáng tạo và đóng góp của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân về xây dựng nông thôn mới để người dân tự nhận thức rõ mình là chủ thể, với nguyên tắc “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”. Từ đó, tạo ra sự đồng thuận và tinh thần tự nguyện, tự giác, tích cực, khát vọng của người dân trong xây dựng, đổi mới quê hương.
|
Cán bộ, công chức các cấp huyện Văn Yên thường xuyên sâu sát địa bàn, kịp thời cổ vũ, động viên nhân dân trong phong trào xây dựng NTM. (Ảnh: Kim Chiến) |
Bên cạnh đó, huyện Văn Yên huy động tối đa sự chung tay, ủng hộ của các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh. Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; khuyến khích dồn điền, đổi thửa, hợp tác sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; kịp thời hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong xây dựng NTM. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý; nâng cao chất lượng các hạng mục hạ tầng; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa xã hội.
Năm 2021, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã hiến trên 300 nghìn m2 đất đai, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn (chưa kể nhiều cây cối, vật kiến trúc) góp phần hoàn thành tốt tiêu chí đường giao thông nông thôn. Từ phong trào "Dịch rào hiến đất”, phong trào “Ngày thứ 7 cùng dân” những con đường khang trang, sạch đẹp, thể hiện "ý Đảng - lòng dân” ngày càng được nối dài, mở rộng hơn từ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc địa phương, tạo đà cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần đưa Văn Yên tiến từng bước vững chắc sớm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 theo đúng lộ trình đề ra.
Trong phát triển kinh tế, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực của huyện lên sàn thương mại điện tử. Tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cho Tổ chuyển đổi số cộng đồng…
Công tác giáo dục được quan tâm, con trẻ không còn đeo gùi lên nương hoặc đi kiếm từng con cá, con tôm lo bữa ăn hàng ngày cùng cha mẹ mà đã được đến trường học cái hay, cái đẹp, kiến thức bổ ích. Về đêm, ánh điện thắp sáng mọi nhà, những dòng tin tức, sự kiện qua sóng truyền hình, mạng Internet đến với người dân, góp phần cải thiện trình độ dân trí cũng như giúp người dân hiểu rõ hơn và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được duy trì tốt, tính đến tháng 8/2022, địa phương đã tổ chức khám bệnh cho 25.978 lượt người, điều trị nội trú 1.394 bệnh nhân ở cấp huyện và cấp xã. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin đến hết tháng 7 ước đạt 53,2%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 93%; Công tác vệ an toàn thực phẩm trên địa bàn luôn được đảm bảo.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lưu Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Văn Yên là một huyện thuần nông với nhiều dân tộc chung sống. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM địa phương triển khai những năm qua luôn nhận được sự hưởng ứng và đồng tình của nhân dân. Bên cạnh đó, huyện Văn Yên đang sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực và tận dụng những lợi thế có sẵn như tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiềm năng về văn hoá và du lịch, hệ thống giao thông đa dạng, cây trồng chủ lực nhất là quế có diện tích lớn nhất cả nước xấp xỉ 50 nghìn ha…Nhờ nông thôn mới cùng những quyết sách đúng đắn, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao (thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm), an ninh chính trị được giữ vững ổn định,... tạo đà quan trọng đưa Văn Yên sớm trở thành huyện NTM vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra”.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, tác động tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, song chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thể hiện sự quyết tâm cao, tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả "mục tiêu kép” với phương châm "Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả”. Huyện Văn Yên đã chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giữ vũng "vùng xanh” an toàn; triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng, kịp thời, đạt kết quả tốt.
Kinh tế tiếp tục có bước phát triển, một số chỉ tiêu chủ yếu duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 32 chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2021 có 25 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 7 chỉ tiêu đạt 100% kế hoạch. Nổi bật như: thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 57.352 tấn, đạt 102,6% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1.221 tỷ đồng, bằng 106,6%; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt tên 4 triệu USD, bằng 108,4%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 256 tỷ đồng, bằng 107,6%; thành lập mới 33 doanh nghiệp, đạt 126,95%; thành lập mới 15 hợp tác xã, đạt 150%; thành lập mới 157 tổ hợp tác, đạt 121,1% kế hoạch; tạo việc làm mới cho 2.775 lao động, bằng 102,8% ; tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm trước đạt 2,33%, bằng 108,4% ; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,5% kế hoạch…
|