Ngày 19/12, tại Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và thành phố Cần Thơ tổ chức Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM”. Diễn đàn được tổ chức kết hợp theo hai hình thức tường thuật trực tiếp trên Báo Nông nghiệp Việt Nam và trực tuyến trên nền tảng Zoom. Đây là sự kiện quan trọng, mang tính định hướng, nhất là khi người dân tại ĐBSCL đang bước vào vụ đông xuân 2024 - 2025.
|
Hình ảnh Diễn đàn từ điểm cầu Cần Thơ. (Ảnh: PV) |
Diễn đàn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, đồng thời góp phần làm giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Diễn đàn cũng là nơi để các bên liên quan trong ngành nông nghiệp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thảo luận, hợp tác và xây dựng những giải pháp thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhất là vùng ĐBSCL.
Tại Diễn đàn, ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục BVTV thông tin, IPHM là tên viết tắt của Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Để triển khai chương trình, Bộ NN&PTNT đã tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM” từ FAO; triển khai tại Việt Nam từ năm 2021 - 2023. Mục tiêu chung của Chương trình IPHM: tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có > 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa cảnh và cây dược liệu áp dụng IPHM. Có 70% diện tích ngô, cây công nghiệp áp dụng IPHM (ít nhất 60% diện tích ngô, 50% diện tích cây công nghiệp áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM)… Chia sẻ về IPHM, ông Vấn đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, trong thời gian tới, cần xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng IPHM, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ; xây dựng và nhân rộng mô hình nông dân hướng dẫn nông dân về IPHM; hướng dẫn địa phương hoàn thiện thủy lợi nội đồng để ứng dụng AWD, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI...
Phân tích tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cho biết, tùy loại cây trồng, loại sinh vật gây hại mà áp dụng thuốc BVTV 1 lần hoặc lớn hơn 1 lần trong vụ hay trong năm. Nhìn chung, số lần dùng thuốc BVTV càng ít, càng tốt, đồng thời khuyến khích sử dụng luân chuyển các thuốc BVTV có cơ chế tác động khác nhau nhằm giảm thiểu khả năng hình thành tính kháng của sinh vật gây hại đối với thuốc trừ BVTV.
|
Ảnh đồ họa |
GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ông liệt kê khoảng 10 sinh vật gây hại phổ biến hiện nay, như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, sâu keo mùa thu, châu chấu tre lưng vàng, lùn sọc đen, khảm lá hại sắn… Ngoài ra, còn hơn 10 loài sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật gây hại ngoại lai trên cây trồng. Nổi bật có vàng lùn - lùn xoăn lá, bệnh héo rũ panama, rầy xanh hại sầu riêng, rệp sáp hại rễ cây có múi, bệnh lùn sọc đen phương Nam, sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu… Do đó, để phòng ngừa, GS.TS Nguyễn Văn Tuất cho rằng, nên nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng có khả năng kháng hoặc chống chịu, tăng cường dự báo tình hình phát sinh gây hại của các loài sinh vật mới, đồng thời xây dựng bộ dữ liệu sinh vật hại cây trồng quốc gia phục vụ công tác tra cứu, phân tích nguy cơ dịch hại.
Trong dài hạn, GS.TS Nguyễn Văn Tuất đề nghị người sản xuất tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo dược, nhất là những thuốc sử dụng các hoạt chất chiết từ vi sinh vật thay vì sử dụng sinh vật sống. Hiện nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn. Do đó, vị chuyên gia này đề nghị có thêm những nghiên cứu về loại thuốc đặc trị dùng cho máy bay không người lái, hoặc các loại thuốc BVTV nano nhằm tăng hiệu quả diệt trừ, giảm giá thành cho người dân.
Theo bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam, trồng cải tiến trong thực hành IPHM sẽ giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM. Đại diện Croplife Việt Nam cũng chỉ ra một số lợi ích kinh tế - xã hội khi sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý. Trong giai đoạn 1996 - 2020, chỉ số tác động lên môi trường giảm trong 24 năm qua, giảm 748,6kg thuốc BVTV nhờ việc mở rộng canh tác giống cây biến đổi gen. Cũng trong giai đoạn trên, tiết kiệm 14,662 triệu lít nhiên liệu, 2.330 triệu kg CO2 tương đương với việc giảm 1,58 triệu chiếc xe hơi lưu thông trên đường trong 1 năm.
Ông Huỳnh Thanh Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thành phố Cần Thơ, cho biết, địa phương có diện tích khoảng 114.000ha dành cho nông nghiệp, với diện tích chuyên canh lúa khoảng 75.000ha, diện tích cây ăn quả là 26.102ha và diện tích gieo trồng rau màu là 15.000ha. Các mô hình được triển khai tại địa phương đều hướng người dân sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, tập trung vào sức khỏe đất, nước, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho nông dân về sức khỏe cây trồng.
|
Cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. (Ảnh: PV) |
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Marketing, Công ty TNHH thương mại Tân Thành chia sẻ, năm 2024, công ty phối hợp cùng với ngành BVTV, các địa phương thực hiện nhiều mô hình, chương trình nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Liên quan tới quy trình đảm bảo dư lượng thuốc BVTV trong gạo xuất khẩu, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN&PTNT cho biết, các chương trình đều đào tạo bà con quản lý dịch hại, biện pháp canh tác, làm giống, nước, bón phân, sinh học. Trong quản lý, sử dụng thuốc BVTV luôn thực hiện theo phương pháp 4 đúng. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã và đang chỉ đạo đẩy mạnh nhiều chương trình tiến bộ như “Một triệu ha lúa” và quy trình 3 giảm 3 tăng, trước đây có dự án VnSAT. Những chương trình được khuyến cáo bà con thực hiện đều nhằm mục đích giảm chi phí đầu vào từ giống, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường đất nước, sức khỏe bà con…
Theo TS. Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, đến nay, toàn quốc đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) với 47.293 thành viên tham gia. Liên quan tới hoạt động của KNCĐ, Kiên Giang đang tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện công tác khuyến nông (đào tạo, tập huấn; xây dựng và nhân rộng mô hình; thông tin tuyên truyền, hợp tác quốc tế; hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX, hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị).
Tổng kết Diễn đàn, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các báo cáo, tham luận của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội… và các ý kiến thảo luận đã tập trung đến những vấn đề chính được đề ra như Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp đến năm 2030; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hài hòa, hiệu quả; sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa…
Qua Diễn đàn, có thể thấy, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện khá tốt Đề án IPHM, tiền thân là Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Nói về kết quả nổi bật của Chương trình IPM Quốc gia Việt Nam, ông Thiệt chia sẻ, chương trình bắt đầu được triển khai từ năm 1992 với các hoạt động như hỗ trợ đào tạo giảng viên IPM (TOT), huấn luyện nông dân thông qua các lớp học hiện trường đồng ruộng (FFS); IPM áp dụng trên lúa, bông, rau màu và cây ăn quả…