Xuất khẩu nông sản 2024: Kỷ lục mới

Thứ năm, 19/12/2024 16:32
(ĐCSVN) – Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.

Ngày 19/12, Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN)/Dân Việt phối hợp với Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xuất khẩu nông sản năm 2024 - Kỷ lục mới, vị thế mới”.

Các chuyên gia, diễn giả và Ban Tổ chức Tọa đàm. (Ảnh: PV) 

Năm 2024, có thể nói ngành nông nghiệp thực hiện Kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc; tuy nhiên, với tinh thần "trách nhiệm, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả"; nhất là sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và đồng thuận của cả xã hội… ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất.

Cũng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới với 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực, điển hình như sầu riêng, dừa, tổ yến…

Đề cập tới thành tích nổi bật của ngành trong năm qua, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Có thể nói, con số tổng kết 11 tháng 2024 của xuất khẩu nông lâm thủy sản khá bất ngờ, riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt cả năm 2023 tới 1 tỷ USD, rất ấn tượng. Điều này phản ánh cả quá trình phát triển và mở cửa thị trường chứ không chỉ trong một hay hai năm. Xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng trên ngoài vai trò đóng góp của các sản phẩm thì có đóng góp lớn từ năng lực của cơ quan chuyên môn, có cả yếu tố quan trọng nữa là nhận thức của các đơn vị sản xuất, xuất khẩu đã tuân thủ các quy định trong vai trò duy trì và mở rộng thị trường. Hy vọng xuất khẩu nông sản tiếp tục duy trì sự tăng trưởng trong thời gian tới.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt thành tích ấn tượng trong năm 2024. (Ảnh: HNV) 

Trong khi đó, đề cập tới công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành sản xuất, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, đối với lĩnh vực trồng trọt, ngay từ những ngày đầu năm 2024, đã định hướng sớm, chỉ đạo các địa phương tập trung chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để ứng phó với các vấn đề thiên tai, dịch bệnh sẽ xảy ra. Về con số 8 triệu tấn trong xuất khẩu gạo, ông Mạnh cho rằng, từ nhiều năm nay, ngành lúa gạo nước ta đã chuyển đổi mạnh mẽ sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và đạt được nhiều thành quả, bền bỉ trong thời gian dài, từng bước nâng cao giá trị lúa gạo của Việt Nam. Hay với nhóm cây ăn quả, từ 10 năm trước, Bộ NN&PTNT đã có một chương trình thành lập Ban Chỉ đạo rải vụ trái cây, tạo động lực để xuất khẩu trái cây được kết quả như hiện nay.

Với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Năm 2024, xuất khẩu thủy sản đến từ 2 điểm nhấn, đó là sản phẩm từ nuôi trồng và sản phẩm khai thác. Ngay từ đầu năm 2024, các doanh nghiệp và địa phương đã tập trung mở rộng thị trường, trong đó VASEP phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương để mở rộng thị trường trọng điểm như: Mỹ, châu Âu… Điều này đã tác động đáng kể đến các thị phần xuất khẩu, từ đó đạt được giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD. Những sản phẩm đang chiếm ưu thế đó là tôm khi giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD, tăng gần 17% so với 2023; đó là xuất khẩu cá ngừ khi tận dụng rất tốt hạn ngạch 11.500 tấn/năm từ thị trường châu Âu...

Nói về cơ hội trong năm 2025 để nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, các nhà quản lý, chuyên gia đều chung nhận định: Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Các chuyên gia, đại biểu cũng cảnh báo, thị trường luôn biến động, để thích ứng kịp thời với sự thay đổi của thị trường, cần thận trọng trong mở rộng diện tích và gia tăng chú ý tới chất lượng, như đề xuất của Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Quốc Mạnh, các Hiệp hội, ngành hàng, Văn phòng SPS Việt Nam cần thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, sản lượng, quy định mới để các địa phương, bà con nắm được và kịp thời điều chỉnh, đáp ứng theo đúng quy định. Đồng thời, hiện nay, các nhà nhập khẩu lớn rất quan tâm đến câu chuyện, cách làm ra sản phẩm như bảo vệ môi trường, mô hình sinh thái, an toàn lao động... đều được họ đúc kết đưa vào quy định nhập khẩu sản phẩm. Do đó, về trồng trọt cần quan tâm đến Luật chống phá rừng của EU, trong đó, các địa phương khẩn trương hướng dẫn xây dựng truy xuất nguồn gốc... để đáp ứng được quy định của EU.

Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, đối với các doanh nghiệp ngành thủy sản, việc đáp ứng các thay đổi của từng thị trường cũng luôn là vấn đề nóng, được các doanh nghiệp quan tâm, theo dõi chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, khi các thị trường hàm ý có sự thay đổi, hầu hết đều có sự tác động tới sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản chúng ta, nhất là với các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Nam, về góc độ thông tin, hiện nay, chúng ta đang trong thế giới phẳng nên thông tin cập nhật rất nhanh, phía các doanh nghiệp hầu hết rất chủ động với những thông báo quy định mới của thị trường, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, chúng ta có thể chia thành 2 nhóm. Một là, doanh nghiệp đã có sự hội nhập từ rất sâu và nhóm thứ 2, có thể là các đơn vị cung cấp theo chuỗi, không xuất khẩu trực tiếp nhưng cũng đã có sự chủ động thay đổi thích ứng với yêu cầu của các thị trường. Nhờ đó, chúng ta giữ được thị phần và xuất khẩu thuỷ sản đứng thứ 3 thế giới về nguồn cung, thị trường có cả ở 5 châu lục.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực