Tài chính toàn diện: Khai thác tối đa nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

Thứ sáu, 25/10/2024 17:09
(ĐCSVN) - Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, vai trò của tài chính toàn diện không chỉ là giải pháp cấp thiết mà còn là một bước đệm để huy động tối đa nguồn lực kinh tế, tạo đà cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Hình ảnh tại buổi Toạ đàm. (Ảnh: M.P).

Ngày 25/10 tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức Tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam”.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chỉ rõ rằng, tài chính toàn diện tại Việt Nam cần dựa trên bốn trụ cột chính để đạt hiệu quả cao nhất. Trụ cột đầu tiên là xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ và linh hoạt, cho phép các chính sách tài chính vận hành trôi chảy và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính. Ông Tú nhấn mạnh: “Việc hình thành hành lang pháp lý là điều kiện tiên quyết để đảm bảo các dịch vụ tài chính được thực thi một cách công bằng và hiệu quả, từ đó giảm thiểu các rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và người dân ở mọi vùng miền”.

Trụ cột thứ hai là tổ chức lại hệ thống dịch vụ tài chính, đặc biệt là mô hình dịch vụ cho các đối tượng yếu thế như ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân và các công ty tài chính. Đây là những tổ chức quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ tài chính đến những nhóm người dân khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ này. Ông chia sẻ: “Chúng ta cần sắp xếp lại các dịch vụ tài chính, sao cho các đối tượng yếu thế và doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng một cách hợp lý, bền vững”.

Trụ cột thứ ba là giáo dục và nâng cao nhận thức về tài chính cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, giúp họ có hiểu biết và khả năng quản lý tài chính tốt hơn. Ông Tú khẳng định rằng, giáo dục tài chính là một bước không thể thiếu trong chiến lược tài chính toàn diện. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt các kiến thức về tài chính mà còn tránh được các rủi ro tài chính không cần thiết.

Trụ cột cuối cùng là việc áp dụng công nghệ số vào dịch vụ tài chính, điều mà ông Tú cho rằng là chìa khóa để đưa các dịch vụ tài chính đến mọi ngóc ngách của xã hội, từ thành thị đến nông thôn. Việc sử dụng công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí mà còn gia tăng tính minh bạch, hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ tài chính.

TS. Trần Văn, Viện trưởng IDS cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Ông chia sẻ: “Nghiên cứu quốc tế cho thấy việc áp dụng công nghệ giúp các dịch vụ tài chính ngân hàng có thể tiếp cận tới mọi khu vực, kể cả những vùng sâu, vùng xa, mà không cần phải có sự hiện diện của các chi nhánh vật lý. Điều này giúp xóa bỏ các rào cản như thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý, tạo cơ hội cho cả người nghèo và các nhóm yếu thế được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính thuận lợi”.

TS. Trần Văn cũng chỉ ra, nhờ ứng dụng công nghệ, các quốc gia đang phát triển đã có thể bao phủ dịch vụ tài chính nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời tạo nền tảng cho những mô hình tài chính mới như tài chính số, thanh toán điện tử và ngân hàng số. Ông cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ công nghệ vào các kênh cung ứng dịch vụ tài chính, bởi nếu không có giải pháp đột phá và tận dụng công nghệ, sẽ khó để đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo của IDS, trong những năm qua, các quốc gia đang phát triển đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để mở rộng dịch vụ tài chính toàn diện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm thu nhập và quy mô doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, dù chiếm số lượng lớn, vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tín dụng chính thức. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải có sự điều chỉnh chính sách, nhằm giúp các nhóm yếu thế có thể thụ hưởng lợi ích từ tài chính toàn diện.

Ông Đào Minh Tú cũng nêu rõ thực tế về tình trạng phát hành tài khoản ngân hàng tràn lan hiện nay. Theo ông, Việt Nam hiện có số lượng tài khoản ngân hàng rất lớn, thậm chí một người dân có thể sở hữu đến vài tài khoản mà không sử dụng hết.  

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng đây là tất yếu của kinh tế thị trường có cạnh tranh, với mặt trái là lãng phí nguồn lực, nhưng mặt phải chính là câu chuyện cạnh tranh tạo ra nhiều dịch vụ cho xã hội, phát triển xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Các sản phẩm dịch vụ tài chính mới đem lại nhiều thuận lợi, tạo ra hướng đi, tạo ra “con đường mới” cho các doanh nghiệp triển khai dịch vụ tiếp cận các đối tượng của tài chính vi mô này, đây là một xu hướng mang tính thời đại, xu hướng ứng dụng công nghệ số, kho dữ liệu số, công nghệ nền tảng...

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh rằng, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay cho tài chính toàn diện là khung pháp lý chưa đủ linh hoạt để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech. Theo ông Kiên, hợp tác giữa các tổ chức tài chính truyền thống và các công ty Fintech sẽ là chìa khóa để giải quyết rủi ro, đồng thời tạo ra một môi trường tài chính toàn diện, công bằng và hiệu quả hơn. Theo ông, Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý phù hợp để tạo điều kiện cho Fintech phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.

Buổi Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và doanh nghiệp về các giải pháp cho tài chính toàn diện. Đại diện các doanh nghiệp Fintech tham gia đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính, giúp người dân ở các khu vực nông thôn và các nhóm yếu thế dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Họ cũng đề xuất Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, cho phép các tổ chức tài chính và các công ty Fintech cùng phát triển, đóng góp vào chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Kết luận Toạ đàm, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, tài chính toàn diện là một công cụ quan trọng, giúp khai thác và sử dụng tối đa nguồn lực của đất nước. Tài chính toàn diện không chỉ giúp các đối tượng yếu thế và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận dịch vụ tài chính, mà còn là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam tiến xa hơn trong quá trình hội nhập và phát triển. Với các giải pháp được đề xuất, tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế công bằng, bền vững và bao trùm, nơi mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể tiếp cận và tận dụng các dịch vụ tài chính một cách hiệu quả./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực