Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP

Thứ sáu, 09/10/2020 20:36
(ĐCSVN) - Cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn,…để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm sử dụng.

Đó là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức chiều 9/10, tại Hà Nội.

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)

Thông tin gửi đến Hội thảo, Ban Chỉ đạo chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, năm 2019, thành phố đã đánh giá, phân hạng tổng số 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao.

Các sản phẩm gồm: nhóm ngành thực phẩm (243 sản phẩm), nhóm ngành đồ uống (3 sản phẩm), nhóm ngành thảo dược (2 sản phẩm); nhóm  ngành vải và may mặc (10 sản phẩm); nhóm ngành lưu niệm, nội thất, trang trí (43 sản phẩm) của tổng số 75 chủ thể tham dự.

Chín tháng năm 2020, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên đến nay, các huyện, thị xã của thành phố mới tổ chức đánh giá, phân hạng được 127 sản phẩm. Hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố đánh giá công nhận theo quy định.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhận định: Chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến sản phẩm OCOP đã được chú trọng triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng còn chưa khai thác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại trên các mạng xã hội để sản phẩm OCOP được nhiều nhóm khách hàng tiềm năng biết đến. Từ đó, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến nhằm tăng cường thúc đẩy công tác kết nối các sản phẩm OCOP đến được nhiều kênh thông tin và người tiêu dùng. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ sự kiện này để quảng bá giới thiệu thương hiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa sản phẩm chất lượng cao của đồng bằng sông Hồng đến với người dân Thủ đô và người dân cả nước.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online,…để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm sử dụng. Có chính sách hỗ trợ nâng cấp và hoàn thiện cho các sản phẩm tham gia dự thi Chương trình OCOP của năm 2020.

Ngoài ra, cần nâng cấp phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm sản, trang điện tử phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP; xây dựng phần mềm quan lý, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã,.../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực