|
|
Người tiêu dùng có thể chọn lựa thực phẩm khác thay thế thịt lợn (Ảnh: K.V) |
Gần một tháng trở lại đây, người tiêu dùng ở TP.Cần Thơ đã phải hạn chế dùng thịt lợn vì giá quá cao, Chị Triệu Thu Hà, người dân quận Ninh Kiều thành phố Cần Thơ cho biết, đã khá lâu, gia đình chị không dùng thịt lợn, do giá cả loại thực phẩm này tăng đột biến nên đã chuyển sang ăn cá, hoặc thịt gà để thay thế.
Nếu vào thời điểm đầu tháng 9, giá lợn hơi tại TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ ở mức 37.000 - 41.000 đồng/kg, sang tháng 10 đã tăng từ 55.000-57.000 đồng/kg. Nhất là trong tháng 11, giá lợn hơi tăng cao so với tháng 10, dao động từ mức 71.000 – 72.000 đồng/kg.
Một chủ sạp thịt lợn bán lẻ ở chợ An Cư, quận Ninh Kiều cho biết, trước đây, giá thịt lợn rất rẻ, nhưng nửa tháng nay, ngày nào giá cũng tăng lên khiến việc buôn bán mặt hàng này cũng chậm hơn nhiều so với trước.
Nguyên nhân giá thịt lợn tăng mạnh vào thời điểm hiện nay là do bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh tại địa phương, lượng lợn hơi cung cấp cho thị trường giảm mạnh. Đây cũng là thực trạng chung của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đảm bảo cân đối cung cầu, thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng, Sở Công Thương TP.Cần Thơ đang phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực có phương án chuẩn bị, khai thác nguồn hàng thực phẩm thịt lợn; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh khác để chủ động triển khai các phương án hỗ trợ, huy động các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kịp thời điều tiết thị trường nhằm bình ổn giá thịt lợn vào dịp cuối năm.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, trước sự biến động về giá cả thịt lợn hiện nay, giải pháp đặt ra trong giai đoạn này là người tiêu dùng nên chuyển đổi sang các loại thịt khác như: gà, vịt, thịt bò hay cá, tôm… để không ảnh hưởng nhiều đến chi phí tiêu dùng, không nên chỉ phụ thuộc vào mỗi thịt lợn. Sắp tới, Chính phủ sẽ cân đối giữa lượng thịt lợn và nhu cầu thực tế để cân nhắc đến chuyện nhập khẩu thịt lợn. Đồng thời, xem xét việc cho tái đàn ở những khu vực an toàn dịch bệnh.
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm tại khu vực phía Nam cũng không đứng ngoài khi giá cả thịt lợn tăng cao, lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương cho hay, Công ty cam kết từ nay đến Tết Nguyên đán 2020 bảo đảm cung cấp ổn định nguồn thịt lợn cho thị trường Bình Dương.
Theo đó, dù nguồn cung đang ít hơn cầu nhưng thị trường không quá khó khăn về nguồn lợn. Các nông hộ hợp tác với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vẫn làm tốt an toàn sinh học, duy trì được đàn lợn và kế hoạch tái đàn, tăng đàn vẫn đang được gấp rút triển khai thực hiện. Công ty đang tăng đàn, bảo đảm nguồn cung lợn giống để phát triển đàn lợn trong thời gian tới. Công ty cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, đủ điều kiện được tái đàn.
Đại diện Công ty Vissan Bình Dương cho biết, nguồn cung tại các đơn vị ký kết với Vissan hiện vẫn ổn định, thực hiện theo đúng hợp đồng, không có tình trạng hủy hợp đồng hay tự ý bán ra thị trường. Hiện đơn vị vẫn cung cấp ổn định từ 1.000 đến 1.200 con lợn thịt/ngày ra thị trường. Về số đầu lợn không tăng so với trước nhưng doanh nghiệp đang thực hiện giải pháp tăng trọng lượng con lợn để bù vào nguồn cung bị giảm.
Hiện, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã chủ động đăng ký và dự trữ lượng thực phẩm với tổng số vốn dự trữ hàng tăng cao so với năm 2019. Trong đó, mặt hàng thịt và các sản phẩm thực phẩm được doanh nghiệp đăng ký dự trữ bảo đảm đáp ứng nhu cầu. Các đơn vị tham gia bình ổn thị trường như Co.opmart, Big C, Mega Market và các địa phương đều có những kế hoạch chủ động để làm chủ về nguồn cung và bảo đảm bình ổn về giá từ nay đến cuối năm.
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, Sở đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi, phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường bảo đảm ổn định nguồn cùng, giá cả thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020. Sở đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ nguồn cung ổn định cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước.
Sở Công Thương Bình Dương cũng khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt lợn tươi trên thị trường. Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đang tiếp tục vận động doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất các loại thực phẩm chế biến để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Hiện các sản phẩm thịt (lợn, bò, gà…), sản phẩm thực phẩm chế biến đang được Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán nhập khẩu thay thế một phần sản phẩm trong nước còn thiếu nên không lo thiếu nguồn cung dịp cuối năm.
|
|
Một trang trại nuôi lợn ở Long Thành - Đồng Nai (Ảnh: K.V). |
Tại thị trường Đồng Nai, người tiêu dùng có đôi chút lo lắng do giá thịt lợn đứng ở mức cao khá lâu và đang cận kề dịp cuối năm, nên khả năng giá cả có thể biến động tiếp tục trong những ngày tới. Trước tình hình này, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kêu gọi doanh nghiệp bắt tay ổn định giá thịt lợn. Riêng mặt hàng thịt gà tuy dự báo có thị trường tiêu thụ tốt hơn do thịt lợn thiếu hụt nhưng khó biến động quá lớn vì nguồn cung dồi dào.
Chung tay ổn định thị trường lợn hơi trong dịp Tết Nguyên đán 2020, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã gửi thư ngỏ đề xuất các doanh nghiệp, cơ sở có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chưa có lợn bị dịch tả châu Phi xâm nhiễm tích cực tăng đàn, đồng thời hỗ trợ nguồn giống tốt nhất cho những trang trại, hộ chăn nuôi đủ điều kiện tái đàn. Các doanh nghiệp, người chăn nuôi gia cầm cần tích cực tăng đàn căn cứ theo dự đoán của cơ quan chức năng về tình hình thiếu hụt thịt lợn sắp tới.
Hiệp hội mong muốn các doanh nghiệp chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ thịt gia cầm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Tính đến nay, cả nước tiêu hủy gần 5,9 triệu con lợn. Trong đó, riêng Đồng Nai tiêu hủy trên 442 nghìn con và tổng đàn lợn của tỉnh này hiện chỉ còn gần 1,5 triệu con, giảm gần 42% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Hiện Đồng Nai đang cung cấp hơn 50% tổng lượng lợn cho thị trường lớn nhất nước là TP.Hồ Chí Minh. Giá lợn hơi tại Đồng Nai hiện đang đứng ở mức cao từ 72 đến 74 nghìn đồng/kg. Đồng Nai đang xuất lợn chủ yếu là dưới 100 kg/con, điều này cho thấy nguồn cung lợn đang thiếu hụt.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, các địa phương cần làm tốt công tác tái đàn vì việc phục hồi đàn lợn sẽ giải quyết nhiều vấn đề như bình ổn giá thị trường; tạo việc làm cho hộ chăn nuôi... Tuy nhiên, các trại chăn nuôi chỉ được tái đàn nếu đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học.
Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tổ chức họp mặt các chủ trang trại chăn nuôi nhằm đúc kết, rút kinh nghiệm trong công tác phòng dịch để phát triển đàn lợn trong thời gian tới.
Về bình ổn giá Tết Nguyên đán năm 2020, ngân sách tỉnh Đồng Nai sẽ chi khoảng 62 tỷ đồng để bình ổn các mặt hàng thực phẩm Tết. Ngoài ra, nguồn quỹ dự phòng là 30 tỷ đồng cho công tác bình ổn giá Tết.
Cũng theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thì trong danh mục hàng bình ổn giá Tết Nguyên đán năm 2020 nên ưu tiên những mặt hàng thực phẩm chính, biến động mạnh về giá, nhất là tập trung bình ổn giá thịt lợn vì đây là mặt hàng truyền thống được sử dụng nhiều vào dịp Tết./.