Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Thứ sáu, 21/07/2023 18:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo kế hoạch, trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Mai

Chiều 21/7, tại Cần Thơ diễn ra Hội nghị công bố Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 và giai đoạn 2024-2025. Hội nghị do UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng UBND TP Cần Thơ và UBND các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.

Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường; cùng lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và cả nước. Việc tổ chức công bố Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác lần này có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, cũng là dịp trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn liên kết vùng với các địa phương trọng điểm về kinh tế. Qua đó, giúp các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, các tỉnh, thành sẽ thống nhất phối hợp trên bình diện TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với cấp độ chính và bao trùm trên cơ sở dựa vào Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Song song đó là Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nơi được xem là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hai cơ sở chính trị, định hướng quan trọng để các tỉnh thành thiết kế chương trình phối hợp và triển khai.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng có các nội dung phối hợp trực tiếp và song phương với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như là một phần cụ thể chi tiết hơn. Các nội dung trong Kế hoạch thỏa thuận hợp tác chỉ là khung mở để các địa phương có thể trao, đổi thảo luận và mở rộng cho phù hợp.

Về phương thức phối hợp hoạt động, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại các bên đã thành lập tổ điều phối. Đối với các hợp tác song phương giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh mong muốn sẽ thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị cho TP Cần Thơ nhằm góp phần thực hiện huy hoạch chung của vùng.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong các năm 2024-2025, các địa phương sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực gồm phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động. TP Hồ Chí Minh đã phân công Sở Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan thường trực theo dõi, thành lập các đầu mối cụ thể đối với 5 lĩnh vực nêu trên nhằm xây dựng, theo dõi kế hoạch sao cho hiệu quả.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Cần Thơ xác định việc hợp tác phát triển với TP Hồ Chí Minh là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy phát triển phát triển, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và giữa các địa phương.

Từ kết quả của các sự kiện bên lề như Hội nghị ký kết Thỏa thuận hợp tác ngành y tế của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023/2025; Hội nghị kết nối giao thương giữa TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ; chương trình tọa đàm về Dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đồng chí Trần Việt Trường bày tỏ sự trân trọng khi TP Hồ Chí Minh đã nhiệt tình hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.

Sau hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ hy vọng người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp cận được những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, kỹ thuật khoa học hàng đầu mà TP Hồ Chí Minh đang có. Bên cạnh đó, phát triển các chuỗi thương mại dịch vụ, chuỗi logistic hiện đại, kết nối và phát triển các doanh nghiệp của các vùng, hỗ trợ tạo điều kiện các sản phẩm OCOP của vùng vào các nơi phân phối vào TP Hồ Chí Minh. Đồng thời phối hợp nghiên cứu, đề xuất dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, sớm đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình quan trọng này trong thời gian sớm nhất. TP Cần Thơ sẽ chỉ đạo các đơn vị tích cực chủ động kết nối cùng các đơn vị của TP Hồ Chí Minh cụ thể hóa các nội dung làm cơ sở để ký kết bổ sung các nội dung cần hợp tác trong thời gian tới./.

 

PV(T/H)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực